Soi mình, cải thiện chỉ số PCI

NHẬT PHONG 04/01/2014 10:57

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Nam trong vòng 7 năm qua (2006-2013), dù vẫn luôn được xếp vào nhóm khá và tốt, nhưng thứ hạng còn bấp bênh đã khiến chính quyền băn khoăn. PCI giống như một cuộc khảo sát khách hàng (doanh nghiệp dân doanh) xem họ có hài lòng với chất lượng điều hành của chính quyền hay không. Trên thực tế, rất nhiều nhà đầu tư đã tham khảo và xác định chỉ số PCI để cân nhắc đầu tư vào những địa phương có điều kiện giống nhau.  Xếp hạng Chỉ số PCI mỗi năm là để địa phương tự soi mình mà cải cách.  Có lẽ hiểu rõ về điều ấy mà mới đây, chính quyền Quảng Nam đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh Quảng Nam. Chỉ thị này gắn trách nhiệm của những người đứng đầu địa phương, cơ quan, không để lặp lại tình trạng trên “thoáng” dưới không “thông”, chấm dứt việc phớt lờ, thực hiện chưa nhất quán, gây khó doanh nghiệp trước chủ trương của UBND tỉnh như trước đây. Mặt khác, cơ chế “một cửa liên thông” giao hẳn cho Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sẽ không để doanh nghiệp đầu tư mang cảm giác “đi xin” hơn là hợp tác là minh chứng rõ nhất việc chính quyền tỉnh luôn sát cánh, đồng hành với doanh nghiệp trong cuộc kinh doanh ngày càng cạnh tranh khốc liệt và khó khăn này.

Có thể hiểu PCI như một quá trình “xét nghiệm máu” để chính quyền và cơ quan quản lý biết tình trạng cơ thể để “kê đơn, bốc thuốc”. Đó không phải là cuộc đua thứ hạng mà cần phải được xem như một quá trình nhìn lại bản thân để nỗ lực nâng cao chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh. Nó không phải là con số cứng, mà chỉ là khởi đầu cho các địa phương hoàn thiện mình, thúc đẩy cải cách.  Không có năng lực nội sinh này mọi thúc ép đều trở nên vô nghĩa. Tuyên bố cải thiện môi trường hay ưu đãi đầu tư được xem như một “bản cam kết” của chính quyền trước cộng đồng doanh nghiệp. Hàng loạt giải pháp ưu đãi, cải thiện môi trường đầu tư đã được đưa ra. Tuy nhiên, trước một chủ trương đúng, sẽ rất cần đến những con người thừa hành có đủ năng lực. Bởi, ai cũng hiểu rằng việc ban hành một nghị quyết, văn bản thì rất dễ nhưng để chuyển nghị quyết, văn bản đó thành hành động và sau đó cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận được rõ ràng thì vẫn là bước đi còn gian nan hơn.  Cải thiện chỉ số PCI cũng giống như xây dựng thương hiệu địa phương, trước tiên phải nằm trong kế hoạch và là trách nhiệm của lãnh đạo trong chiến lược phát triển nền kinh tế và phải có sự tổng hợp sức dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Chỉ khi nào người lãnh đạo cảm nhận và ý thức được những giá trị, mục tiêu thương hiệu mà cộng đồng địa phương mình đang hướng đến thì Quảng Nam mới có quyền hy vọng về sự quảng bá rộng khắp hơn đối với nhà đầu tư trong tương lai.

NHẬT PHONG

NHẬT PHONG