Bình ổn giá hàng hóa trong dịp tết
Thực hiện kế hoạch bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, UBND tỉnh đã hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng để các doanh nghiệp (DN) dự trữ hàng hóa thiết yếu, chủ động kế hoạch mua hàng dự trữ. Phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương về việc triển khai chương trình bình ổn giá cụ thể trước, trong và sau tết.
P.V: Ông có thể cho biết hiện các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường, thực hiện dự trữ hàng hóa phục vụ tết như thế nào?
UBND tỉnh đã trích 40 tỷ đồng cho 5 DN mượn vốn (thông qua hỗ trợ lãi suất) để dự trữ các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đó là Công ty Xuất nhập khẩu Đà Nẵng - Quảng Nam, Công ty CP Lương thực - dịch vụ Quảng Nam, Công ty Xuất nhập khẩu Quảng Nam, Công ty TNHH Vinh Hạnh và Công ty TNHH D&D Quảng Nam. Ngoài ra, các DN không nhận vốn phục vụ tết do mặt hàng phục vụ không nằm trong quy định (xăng dầu, bia, rượu, nước ngọt) nhưng vẫn tham gia chương trình bình ổn giá như Công ty CP Thương mại đầu tư và phát triển miền núi Quảng Nam, Công ty CP Thương mại Giằng; Công ty CP Thương mại & xây dựng Hiệp Đức, Hợp tác xã Thương mại Điện Thọ. Riêng siêu thị Co.opMart Tam Kỳ triển khai bán hàng bình ổn giá theo chương trình của tổng công ty.
Công ty TNHH D&D Quảng Nam tập trung chuyển hàng phục vụ bình ổn giá. Ảnh: T.L |
Tính đến ngày 30.12.2013, tổng giá trị hàng hóa dự trữ của các DN phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn tỉnh đã lên đến 187 tỷ đồng. Cụ thể, các mặt hàng gạo, nếp 4.369 tấn, đường kính 310 tấn, dầu ăn, nước mắm 97.000 lít, mỳ chính 173 tấn, bánh - kẹo - mứt, hạt dưa các loại 532 tấn, muối 23 tấn, mỳ tôm 13.000 thùng, thịt gia súc, gia cầm 22 tấn… Các doanh nghiệp đã triển khai việc đăng ký giá, niêm yết giá và tổ chức bán hàng tại 47 điểm trên địa bàn các huyện, thành phố (29 điểm ở các huyện miền núi, các khu vực còn lại 18 điểm). Ngoài ra, các thành phần kinh tế khác cũng chuẩn bị một lượng hàng hóa khá dồi dào phục vụ thị trường tết.
P.V:Người dân sẽ được hưởng lợi gì trong chương trình bình ổn giá của Nhà nước, thưa ông?
Mua hàng bình ổn giá, người tiêu dùng được thụ hưởng ưu đãi về giá bán thấp hơn so với thị trường từ 5 - 10% trong dịp tết (định giá dựa trên sự so sánh với những sản phẩm cùng loại bên ngoài thị trường, có chất lượng và tiêu chuẩn ngang nhau). Thực hiện bình ổn giá còn đồng nghĩa với việc 9 nhóm hàng thiết yếu như gạo tẻ, gạo nếp, đường, dầu ăn, thịt gia súc, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả… sẽ cung ứng, phục vụ kịp thời về lương thực, thực phẩm và các nhu cầu mua sắm trong dịp tết cho người dân ở các vùng sâu, vùng xa, hạn chế thấp nhất tình trạng khan hàng, sốt giá như những năm trước đây.
P.V: Đối với DN, kinh doanh là phải có lãi, vậy những điều kiện ràng buộc như thế nào đối với các DN được chọn triển khai chương trình bình ổn giá?
Không để hiện tượng sốt giá trước, trong và sau tết Theo các chuyên gia kinh tế, dự báo nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ tăng khoảng 20 - 25% so với các tháng thường trong năm và tăng khoảng 10% so với năm trước. Sức mua sẽ tăng mạnh vào dịp giáp tết, đặc biệt là một số loại hàng hóa như mứt, bánh kẹo, hạt dưa thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thức uống. Trong những tháng gần đây, Sở Công Thương đã phối hợp với các ngành chức năng tập trung chỉ đạo các DN thương mại và DN sản xuất trên địa bàn tỉnh thực hiện các biện pháp tạo nguồn hàng, dự trữ hàng hóa, đồng thời theo dõi sát diễn biến và đề xuất kịp thời cung cầu thị trường, không để hiện tượng sốt giá trước, trong và sau tết. Sở Công Thương cũng chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc bán hàng theo quy định về niêm yết giá; giám sát chặt chẽ và đề xuất biện pháp, can thiệp kịp thời để kiểm soát, ngăn chặn các hành vi thu gom lương thực, thực phẩm làm phát sinh nguy cơ gây mất cân đối cung cầu. |
Theo tiêu chí xét chọn DN tham gia chương trình bình ổn giá, trước hết, các DN phải có trụ sở đang kinh doanh trên địa bàn tỉnh, phải có uy tín, quy mô kinh doanh phát triển về cả vốn, mạng lưới bán buôn, bán lẻ, có kho dự trữ, có năng lực thực hiện và có kinh nghiệm tổ chức nguồn hàng phân phối. Các DN tham gia chương trình bình ổn giá trong dịp Tết Giáp Ngọ phải đảm bảo đầy đủ số lượng hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá trên thị trường. Hàng hóa phải đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả ổn định. Mạng lưới phân phối bán lẻ các mặt hàng thiết yếu phải phân bổ đều và hợp lý ở một số điểm trọng yếu trên địa bàn tỉnh. Các DN tham gia chương trình bình ổn phải quản lý tốt và phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước tạm ứng để thực hiện tốt chương trình bình ổn giá.
Ngoài ra, các DN tham gia chương trình bình ổn giá phải niêm yết và công khai giá từng mặt hàng. Đối với các điểm bán cố định phải công khai thời gian tổ chức bán hàng bình ổn chậm nhất kể từ ngày 1.1.2014 và xuyên suốt đến hết ngày 30.1.2014. Đối với các điểm bán lưu động, các DN phải bố trí xe lưu động, lều bạt, mái che lưu động... Trước khi bán lưu động DN phải thông báo với Sở Công Thương và phòng kinh tế - hạ tầng các huyện, thành phố có liên quan về địa điểm bố trí điểm bán, thời gian tổ chức bán hàng (thời gian bán lưu động ít nhất phải từ 2 - 5 ngày để người dân địa phương được biết đến mua sắm). Trong suốt thời gian triển khai chương trình, Sở Công Thương sẽ phối hợp với các ngành chức năng thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đăng ký giá, kê khai giá của DN đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước...
P.V: Xin cảm ơn ông!
TRUNG LỘ(Thực hiện)