Không thể giải ngân hết vốn đầu tư

TRỊNH DŨNG 25/12/2013 10:43

Kế hoạch giải ngân 100% kế hoạch vốn đã bố trí cho đầu tư phát triển năm 2013 vẫn không thể thực hiện được.

Khó đạt 100%

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, tính đến cuối tháng 11, tổng vốn cấp phát toàn tỉnh hơn 4.429 tỷ đồng, đạt 70% kế hoạch. Cao nhất là vốn trái phiếu chính phủ đạt đến 89%, vốn chương trình mục tiêu quốc gia 78%. Số còn lại (ngân sách tỉnh, tạm ứng kế hoạch và tồn ngân kho bạc…) đều chưa thể đạt yêu cầu. Thống kê này cho thấy hiệu quả đầu tư của các công trình đầu tư đã được nhìn nhận, nhưng tốc độ giải ngân vốn đầu tư vẫn chưa đạt như ý muốn, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân của tình trạng này, theo các cơ quan quản lý, chủ yếu là do ảnh hưởng của cơ chế chính sách mới của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực này.

Năng lực thi công kém dẫn đến các công trình đầu tư không thể giải ngân hết vốn. Ảnh: T.D
Năng lực thi công kém dẫn đến các công trình đầu tư không thể giải ngân hết vốn. Ảnh: T.D

Theo dự báo của Sở KH-ĐT, khả năng các dự án thuộc nguồn vốn xây dựng cơ bản tập trung năm này chủ yếu thanh toán khối lượng, chuyển tiếp, một ít bố trí đầu tư cho các công trình mới, nên tỷ lệ giải ngân khá tốt (trên 89%) hoặc nguồn tạm ứng ngân sách tỉnh và tồn ngân kho bạc đạt khoảng 80%, phát triển nuôi trồng thủy sản và giống cây trồng vật nuôi, chương trình biển Đông – hải đảo, khu neo đậu tránh bão cầu Cửa Đại Hội An… có thể hoàn tất 100% khi kết thúc năm. Nguồn vốn vay Bộ Tài chính đầu tư kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn… sẽ không đạt kế hoạch đề ra khi chỉ giải ngân được 67/165 tỷ đồng, bởi hầu hết dự án đều mới triển khai kế hoạch đấu thầu trong tháng 10. Số vốn còn lại sẽ được tiếp tục chuyển qua năm 2014 để giải ngân tiếp.

Danh sách chương trình, dự án không đạt kế hoạch giải ngân vẫn khá dài. Chương trình hỗ trợ khu công nghiệp thay đổi chủ đầu tư đang lập thủ tục thực hiện giải phóng mặt bằng để có thể giải ngân hết nguồn vốn, còn dự án đường vào khu di tích Kỳ Anh không thể giải ngân được vì chưa triển khai thi công. Khá nhiều lý do để lý giải chuyện không thể giải ngân đạt yêu cầu này. Theo Sở KH-ĐT, hiện có khá nhiều vướng mắc khi thực hiện các quy định mới của Chính phủ. Theo quy định thì các bộ, ngành Trung ương phải trả lời việc thẩm định nguồn vốn từng dự án trong vòng 10 ngày, nhưng thực tế có khi mất cả tháng. Ngoài ra, việc phân bổ ngân sách của Trung ương chậm, lại giao vốn thành nhiều đợt. Có nguồn vốn đến giữa hoặc cuối năm mới giao kế hoạch nên việc giải ngân hết vốn hầu như không thể. Ông Trần Văn Tri - Giám đốc Sở KH-ĐT nói, chưa kể đến việc Trung ương chưa có văn bản thống nhất hoặc bố trí kế hoạch vốn từ ngân sách không theo kế hoạch trung hạn của Quảng Nam, thậm chí còn phân bổ vốn thấp hơn làm mất cân đối kế hoạch và việc bố trí vốn của Trung ương cho các dự án cấp bách, trọng điểm còn quá thấp… Tất cả điều này đã dẫn đến việc khó vốn, ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.

Cần một chế tài

Câu chuyện không thể xài hết vốn đầu tư năm nào vẫn diễn ra nhưng vẫn không có cách gì thay đổi. Gần như trong các bản báo cáo của các cơ quan quản lý năm nào cũng nói việc phân bổ nguồn vốn đầu tư đúng trọng điểm. Tình trạng phân cấp quá rộng, lại thiếu các biện pháp quản lý dẫn tới tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối hay thời gian thi công kéo dài, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra nhiều năm, hậu quả đầu tư kém, phân tán và lãng phí nguồn lực nhà nước… dường như đã là câu chuyện cũ. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đã từng tuyên bố tại các hội nghị giải ngân vốn thường niên là các chủ đầu tư phải có trách nhiệm giải ngân dứt điểm hết nguồn vốn. Cương quyết không thể để tồn đọng vốn. Nếu xét thấy không giải ngân được thì phải thông báo để cơ quan quản lý cho phép điều chuyển vốn, không để mất vốn. Nếu báo cáo thì sẽ bố trí vốn lại, còn để vốn bị cắt, thu hồi thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm và không được bố trí vốn vào năm sau. Vấn đề thường được nhắc đến nhiều trong các cuộc họp về đầu tư vẫn là chuyện xin vốn không phải là dễ dàng, không sử dụng hết vốn, buộc phải điều chuyển là điều vô lý, khó có thể chấp nhận, nên yêu cầu các ban quản lý, chủ đầu tư phải tìm cho được giải pháp hữu hiệu để kịp giải ngân hết vốn trước khi kết thúc năm tài chính.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cũng từng tuyên bố không thể để ngân sách nhà nước thất thoát mà không ai chịu trách nhiệm. Những người để thất thoát vốn ngân sách nhà nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật… Kho bạc Nhà nước tỉnh cho rằng nếu muốn tốc độ giải ngân nhanh thì UBND tỉnh cần quyết liệt trong việc điều chuyển vốn và giải ngân. Nhất là việc phải áp dụng chế tài (tính lãi suất ngân hàng) cho các chủ đầu tư, dự án dây dưa nợ tạm ứng. Tuy nhiên trên thực tế lại không như vậy. Việc không thể giải ngân hết vốn năm nào cũng xảy ra nhưng chưa thấy một ai bị xử lý hay quy trách nhiệm “đền bù”. Kết quả là lý do lại được đưa ra mổ xẻ, phân tích vẫn là chuyện “trì trệ” của giải phóng mặt bằng và tái định cư. Cũng không loại trừ cả việc năng lực một số nhà thầu lẫn chủ đầu tư yếu; không ít công trình xây dựng cơ bản nợ vốn thi công nhiều năm chưa trả được, dẫn đến tình trạng các nhà thầu không “mặn mà” đẩy nhanh tiến độ thi công khi chưa được rót vốn… Mặt khác, chi phí đền bù tăng cao, thời gian thanh toán kéo dài, vượt thời gian quy định nhà nước, công tác tạm ứng, hoàn ứng chưa đúng quy trình hay yếu kém… cũng là những tác nhân cản trở tốc độ giải ngân vốn đầu tư theo như dự định.

Chỉ còn hơn một tuần nữa là kết thúc năm, liệu nỗ lực của chính quyền, chủ đầu tư có kịp để hoàn thành mục tiêu đề ra?

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG