Thực hiện các hạng mục đầu tư tại Khu di tích Mỹ Sơn: Trở ngại do vướng quy hoạch

VĨNH LỘC 25/12/2013 10:29

Ngày 30.12.2008, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2008 - 2020, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc bảo tồn phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, 5 năm qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau đến nay việc triển khai dự án diễn ra rất chậm chạp.

Dự án lớn

Theo phê duyệt, khu di tích được quy hoạch thành 2 khu vực để bảo vệ, gồm khu vực I (bên trong di tích) có diện tích 324.600m2, khu vực II (bên ngoài di tích), diện tích 11.255.400m2 và sẽ được tiến hành thực hiện qua 2 giai đoạn, gồm giai đoạn 1 (năm 2008 – 2012) và giai đoạn 2 (năm 2013 – 2020), tổng kinh phí thực hiện dự án là 282 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và vốn tài trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế… Trong đó, giai đoạn 1 sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như rà phá bom mìn, xử lý chất độc hóa học; nghiên cứu khoa học; cải tạo, xây dựng kỹ thuật hạ tầng; xây dựng các công trình quản lý, dịch vụ; nghiên cứu khôi phục các giá trị văn hóa phi vật thể… hướng đến cứu vãn, ngăn chặn quá trình hủy hoại đối với các di tích hiện còn ở Mỹ Sơn, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên toàn khu vực, nhất là bảo tồn các di tích gốc. Đặc biệt, dự án cũng sẽ giúp xác định các nhiệm vụ cụ thể làm cơ sở cho việc lập và thực thi các dự án thành phần bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích, từ đó đề xuất các giải pháp quản lý và phát huy giá trị khu di sản phù hợp với điều kiện hiện tại và gắn kết với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác trong khu vực.

Muốn nâng cấp con đường dẫn vào khu di tích phải tiến hành khảo cổ, rà phá bom mìn theo quy định của quy hoạch. Ảnh: V.L
Muốn nâng cấp con đường dẫn vào khu di tích phải tiến hành khảo cổ, rà phá bom mìn theo quy định của quy hoạch. Ảnh: V.L

Theo ông Nguyễn Công Hường – Trưởng ban Quản lý Di tích và du lịch Mỹ Sơn, đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại Mỹ Sơn, phạm vi quy hoạch không chỉ bao gồm toàn bộ thung lũng Mỹ Sơn mà còn mở rộng  giới hạn ra đến các đỉnh núi bao quanh như Văn Chỉ, Hòn Ngang, Đá Bèo, Kỳ Vĩ, Mật Mã và đến cả khu Thạch Bàn. Đặc biệt, cùng với thời gian thực hiện kéo dài 12 năm, dự án không chỉ tạo điều kiện pháp lý để bảo tồn hiệu quả các nhóm tháp hiện còn ở Mỹ Sơn mà còn hướng đến gắn kết việc bảo tồn di tích với nâng cao vai trò của cộng đồng, giúp người dân có điều kiện hưởng thụ tốt các giá trị văn hóa, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân địa phương. “Tôi cho rằng với mục tiêu phát huy các giá trị khu di tích, khai thác tốt tiềm năng về dịch vụ du lịch, văn hóa với tư cách một nhân tố tác động tích cực trở lại phục vụ mục đích bảo tồn có hiệu quả các đền tháp là một mục tiêu thiết thực và là hướng đi phù hợp đối với Mỹ Sơn ” - ông Hường nói. Tuy nhiên, đến nay dự án đã bước sang giai đoạn 2 một năm nhưng những công việc đã đặt ra trong giai đoạn 1 vẫn diễn ra rất chậm chạp, không biết khi nào mới thực hiện.

Đụng đâu cũng vướng quy hoạch

Theo ông Đinh Hài – Giám đốc Sở VH-TT&DL, Mỹ Sơn không cần quy hoạch tỷ lệ 1/500, còn việc khảo cổ, rà phá bom mìn có thể triển khai theo từng phần, làm tới đâu rà phá bom mìn tới đó. “Năm 2014 chúng tôi sẽ phối hợp với Viện Tu bổ di tích thực hiện đề tài nghiên cứu văn hóa phi vật thể ở Mỹ Sơn” -ông Hài khẳng định.

Thực tế, cũng đã có một số hạng mục trong giai đoạn 1 của dự án được triển khai thực hiện như lập hồ sơ dự án thành phần rà phá bom mình (UBND tỉnh đã phê duyệt), thỏa thuận phê duyệt dự án thành phần tu bổ 2 tháp E1, E2. Tuy nhiên, ngoài dự án bảo tồn, trùng tu tháp E7 đã được triển khai từ năm 2011 với kinh phí thực hiện trên 9 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh do Sở VH-TT&DL làm chủ đầu tư nhằm gia cố, tái định vị các thành phần kiến trúc liên quan đến cấu trúc chính của tháp cũng như gia cố xử lý các vết nứt, chống nấm mốc, chống thấm và phục hồi phần mái dưới... các dự án thành phần còn lại đến nay vẫn dẫm chân tại chỗ.

Theo ông Nguyễn Công Hường, ngoài nguyên nhân chính là không có nguồn kinh phí thì một nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng là các dự án thành phần đến nay vẫn chưa được quy hoạch chi tiết theo tỷ lệ 1/500 nên nhiều hạng mục hạ tầng trong khu vực di tích bị vướng không thể triển khai. Cụ thể như các công trình nhà biểu diễn, nhà dịch vụ, bán hàng lưu niệm, nhà vệ sinh… không thể xây dựng kiên cố vì phải tuân thủ những quy định như khảo cổ, rà phá bom mìn. Ông Hường cho biết thêm: “Theo phân cấp, các công trình đầu tư xây dựng hạ tầng do huyện đảm nhận, nhưng bây giờ đụng đâu cũng vướng vì phải tuân thủ theo quy hoạch của dự án. Kinh phí chỉ một phần, vấn đề chính vẫn là các thủ tục. Dự án nâng cấp sửa chữa con đường chính từ cầu Khe Thẻ vào di tích đã được Bộ VH-TT&DL thẩm định thiết kế, dự kiến năm 2014 triển khai nhưng bây giờ cũng phải tiến hành các bước trình tự như khảo cổ, rà phá bom mìn dù trước đây các công việc trên cũng đã được làm rồi”.

Quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn giai đoạn 2008 – 2020 là một dự án lớn dài hơi, thực hiện thành công các công việc theo như lộ trình đã đề ra không chỉ góp phần bảo tồn cứu vãn các di tích kịp thời mà thông qua việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ cũng sẽ giúp thúc đẩy hoạt động du lịch Mỹ Sơn phát triển. Tuy nhiên, với tình hình kinh phí như hiện tại, kế hoạch, mục tiêu của dự án sẽ khó hoàn thành.

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC