Giao ngân sách năm 2014: Ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn
Ngày 16.12, UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước 2014. Việc đẩy mạnh huy động vốn đầu tư, “thắt lưng buộc bụng” chi tiêu trong nguồn ngân sách hạn hẹp nhưng vẫn bảo đảm kế hoạch tăng trưởng 11,5% là” mệnh lệnh” đã được đặt ra.
Gia tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn…, giải phóng hàng tồn kho. Ảnh: T.D |
Giao đúng và chi đủ
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, việc phân bổ nguồn lực năm 2013 đúng mục tiêu, cơ cấu, đã khắc phục được tình trạng phân tán, dàn trải vốn đầu tư và tốc độ giải ngân cũng đạt tỷ lệ cao nên năm 2014 cũng sẽ không là ngoại lệ. UBND tỉnh đã quyết định xây dựng dự toán chi ngân sách địa phương năm 2014 là 11.735 tỷ đồng, chỉ bằng 87% so với ước thực hiện năm 2013. Nếu loại trừ thu chuyển nguồn thì chỉ tăng 6,7% so với dự toán năm 2013. Danh mục chi ngân sách tập trung cao nhất dành cho chi đầu tư phát triển 2.358 tỷ đồng, tăng 0,45% so với dự toán 2013; chi thường xuyên 6.742 tỷ đồng, tăng 15,3% so dự toán 2013; chi trả nợ vay giao thông nông thôn; dự phòng ngân sách, bổ sung nguồn cải cách tiền lương, bổ sung quỹ dự trữ tài chính và chi từ nguồn thu quản lý qua ngân sách. Tất cả nguồn chi đều gia tăng hoặc bằng với dự toán nhưng lại thấp hơn nhiều so với thực hiện năm 2013. Như vậy, lại một năm Quảng Nam phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, tiết kiệm tối đa, giao đúng, chi đủ, tìm mọi biện pháp huy động để góp phần tăng trưởng GRDP 11,5%.
Sở KH-ĐT dự kiến vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước năm 2014 sẽ chỉ được phân bổ khoảng 3.662 tỷ đồng, tăng 2% so với kế hoạch năm 2013 nhưng lại giảm 34% so với thực hiện năm 2013. Vốn cân đối ngân sách các địa phương năm 2014 dự kiến 1.292 tỷ đồng, bằng 117% so với kế hoạch 2013, bằng 61% so thực hiện 2013. Ông Trần Văn Tri - Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, để đạt GRDP tăng 11,5% thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải khoảng trên 11.000 tỷ đồng. Nếu thực hiện được các tiêu chí đã đề ra thì Quảng Nam cần tăng cường cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nhất là những lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh và cả lợi thế liên kết. Mặt khác, cần kiềm chế lạm phát, kiểm soát thị trường giá cả, quản lý tốt vốn đầu tư nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Cần đầu tư hiệu quả
Nhiều địa phương “kêu” rằng sự thiếu hụt giao thông đã cản trở rất nhiều đến sự phát triển. Theo UBND tỉnh, sự bức xúc và đau đầu của các địa phương là điều dễ hiểu, nhưng nguồn lực của Quảng Nam không có nhiều để có thể đáp ứng được cùng lúc tất cả yêu cầu từ phía địa phương. Chính quyền sẽ xem xét và ưu tiên bố trí vốn cho những tuyến điểm giao thông hay công trình cấp thiết, có tác động trực tiếp đến sự phát triển của địa phương. Số kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản chủ yếu chỉ dành cho thanh toán nợ, các dự án chuyển tiếp và con số 49,7 tỷ đồng để đầu tư 24 dự án khởi công mới, có thể cho thấy một sự lựa chọn dứt khoát về việc thắt chặt đầu tư công khi nguồn lực nhà nước bị eo hẹp.
Sở KH-ĐT cho biết các địa phương cần căn cứ kế hoạch được giao, tiến hành rà soát, dự kiến danh mục dự án và mức bố trí vốn cho từng dự án cụ thể. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh, dù gói ngân sách năm nay hạn hẹp vẫn phân bổ cho các địa phương theo tiêu chí và định mức giai đoạn 2011 - 2015, bảo đảm ổn định như mọi năm. Nguồn tăng thêm trong cân đối thì tùy thuộc vào khả năng nguồn thu của các địa phương. Ngoài giao thông, văn hóa – thể dục – thể thao được phân bổ kinh phí bằng kế hoạch năm 2013 thì nguồn lực dành cho nông, lâm, thủy lợi, hạ tầng công cộng, khoa học công nghệ, giáo dục – đào tạo và y tế đã được phân bổ tăng ít nhất từ 18 - 40% nguồn vốn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng các địa phương cần phân rã chi tiết danh mục dự án đầu tư, đánh giá lại nợ phát sinh, cam kết không để tiếp diễn tình trạng công trình kéo dài, dàn trải và phải tự sắp xếp, sử dụng ngân sách hợp lý. Chủ tịch UBND Lê Phước Thanh nói nguồn lực khó khăn nên tự địa phương phải vận động để tăng thu, tìm nguồn cho đầu tư phát triển. Các địa phương phải chủ động tự chủ tài chính trong gói ngân sách đã được duyệt. Cương quyết rà soát, dừng công trình không hiệu quả, không đủ khả năng thanh toán, chuyển vốn sang công trình có khối lượng thanh toán hoặc cắt giảm quy mô đầu tư để chấm dứt tình trạng phát sinh nợ đọng kéo dài. Chấm dứt đầu tư dàn trải thì mới phát huy hết hiệu quả đồng vốn nhà nước.
TRỊNH DŨNG