Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may
Chiều qua 17.12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành liên quan về đề án “Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2014 - 2020”.
Trong giai đoạn 2006 - 2012, ngành dệt may (chủ yếu là gia công) đã góp phần quan trọng giải quyết việc làm cho người lao động của tỉnh, kim ngạch xuất khẩu chiếm 19,6% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh về không gian phát triển, lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng. Theo đề án “Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2014 - 2020” do Sở Công Thương xây dựng, mục tiêu đặt ra là giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên, phụ liệu ngành dệt may xuống dưới 50%, đưa giá trị sản xuất công nghiệp ngành dệt may đến 2015 đạt hơn 3 nghìn tỷ đồng, đến năm 2020 gần 7 nghìn tỷ đồng; tỷ trọng ngành dệt may/tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm 2015 là 9,2% và năm 2020 là 10,6%; quy hoạch diện tích trồng cây nguyên liệu với khoảng 10 nghìn héc ta. Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may sẽ phát triển toàn diện gồm những hoạt động như trồng bông, dâu tạo vùng nguyên liệu đến kéo sợi, dệt vải, tẩy, nhộm, in vải, sản xuất thành phẩm, sản xuất phụ liệu, cơ khí dệt may.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu yêu cầu Sở Công Thương tiếp thu ý kiến đóng góp của các sở, ngành, bổ sung và hoàn thiện đề án, trình UBND tỉnh xem xét. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cần phải định hướng sự phát triển của ngành dệt may trong tương lai phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, cần xác định ngành nào là trọng tâm của công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, vùng nguyên liệu ban đầu. Cơ chế hỗ trợ cần phải có chính sách cụ thể đối với từng ngành phục vụ cho công nghiệp dệt may, nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển, hiện đại hóa công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may của tỉnh trong thời gian tới. Đồng thời, khi kêu gọi đầu tư, tỉnh sẽ ưu tiên những đơn vị lớn, có tiềm lực kinh tế, quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. Các giải pháp thực hiện đề án cần quan tâm đến cơ chế, sau đó đến xúc tiến đầu tư, môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
DIỄM LỆ