Rà soát các trạm thu phát sóng di động
Từ sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Thông tin - truyền thông và Sở Xây dựng đang tiến hành rà soát, quy hoạch lại hệ thống trạm thu phát sóng di dộng (BTS) trên địa bàn tỉnh.
Khó kiểm soát
Quảng Nam có 1.330 trạm BTS (gồm trạm loại 1 và loại 2) của 5 nhà mạng Viettel, VinaFone, MobiFone, Vietnam Mobile và Gtel hoạt động. Trong đó, trạm loại 1 (trạm dưới mặt đất, có dây neo) thuộc thẩm quyền cấp phép của Sở Xây dựng và trạm loại 2 (trạm đặt trên mái nhà) thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND các huyện/thành phố. Khoảng 1/3 số trạm BTS phối hợp dùng chung giữa các đơn vị. Trước nhu cầu phát triển mạng lưới thông tin, các doanh nghiệp viễn thông ồ ạt đầu tư xây dựng, phát triển mạng lưới trạm BTS mà chưa được quy hoạch, kiểm soát. Theo đó, việc kiểm soát hoạt động của trạm từ phía ngành chức năng gần như bị thả nổi. Chỉ đến khi Thông tư 12/2007 liên Bộ Thông tin – truyền thông, Xây dựng ra đời, công tác thẩm định, kiểm soát, cấp phép xây dựng trạm BTS mới bắt đầu được chú trọng.
Trạm BTS Đại Lộc vừa được khắc phục sau bão. Ảnh: B.LIÊN |
Theo bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở Thông tin – truyền thông, đơn vị này chỉ thống nhất tọa độ, địa điểm xây dựng, kiểm tra, kiểm định về sóng điện từ, thiết bị viễn thông hợp chuẩn, hợp quy về mặt kỹ thuật, an toàn phơi nhiễm trường điện từ, tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật. Các trạm BTS muốn xây dựng phải có giấy chứng nhận kiểm định của Trung tâm Kiểm định và chứng nhận III (TP.Đà Nẵng) về hợp chuẩn, hợp quy của thiết bị viễn thông, độ phủ sóng, mức phủ sóng nằm trong giới hạn an toàn cho phép. Vấn đề chất lượng, độ an toàn, sự bền vững của công trình thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng. Hiện nay, Quảng Nam chỉ có quy hoạch vùng, chưa có quy hoạch điểm.
Lo ngại về mức độ an toàn Theo ông Trần Quít, Chánh thanh tra Sở Thông tin - truyền thông, từ sau bão số 11, người dân lo ngại về chất lượng, độ an toàn của trạm BTS. Thanh tra Sở đã nhận được nhiều đơn thư, công văn của chính quyền và người dân phản ánh về hiện trạng xuống cấp của một số trạm BTS. Chẳng hạn, bà Lê Thị Kiều (245 Trưng Nữ Vương, Tam Kỳ) thắc mắc trạm BTS khu vực gia đình bà sinh sống có thể chịu được sức gió cấp mấy, khi ngã đổ ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm. Qua xác minh đây là trạm thuộc loại 2, sở đã có công văn đề nghị UBND TP.Tam Kỳ trực tiếp có văn bản trả lời. Một số hộ dân tại thôn Hà Nha (Đại Đồng, Đại Lộc) cũng kiến nghị về sự bền vững, độ an toàn của trạm BTS của VNPT Quảng Nam tại khu vực Bưu điện Hà Nha. Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc cụ thể với VNPT, phía doanh nghiệp cũng đã có văn bản trả lời về việc đã gia cố đảm bảo an toàn trạm. Doanh nghiệp cũng cam kết, nếu có vấn đề gì xảy ra, ảnh hưởng đến an toàn về tính mạng, tài sản công dân, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm. |
Riêng đối với TP.Hội An do đặc thù du lịch văn hóa sinh thái và đứng trước sự bức xúc của địa phương, Sở Thông tin – truyền thông đã tham mưu xây dựng quy hoạch riêng cho thành phố. Quy hoạch bắt buộc mật độ phủ sóng giữa 2 trạm BTS trong nội thành là 500m, các trạm phải tối thiểu chịu được sức gió cấp 12 - 13. “Trước đây, do chưa có văn bản chỉ đạo từ cấp bộ, sở gặp khó khăn trong việc tham mưu xây dựng quy hoạch chung mạng lưới hạ tầng viễn thông thụ động cho cả tỉnh dẫn đến nhiều bất cập. Thời gian tới, sở sẽ xây dựng quy hoạch chung cho cả tỉnh. Khi đó, doanh nghiệp viễn thông sẽ bám vào quy hoạch để xây dựng, phát triển trạm BTS” - bà Quyên nói.
Nhiều trạm chưa có phép
Trong khi đó, ông Nguyễn Phú - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, trước năm 2008 là giai đoạn khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông nên các doanh nghiệp tự đầu tư. Sau khi có sự chỉ đạo của Chính phủ, Sở xây dựng và Sở Thông tin - truyền thông phối hợp thực hiện công tác quản lý lĩnh vực này. Theo đó, Sở Thông tin - truyền thông chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát kiểm định tầm sóng; Sở Xây dựng thẩm định chất lượng, độ an toàn công trình. Tuy nhiên, Sở Xây dựng chỉ kiểm soát đối với những trạm BTS cao trên 35m, còn đối với những trạm BTS dưới 35m, chủ đầu tư tự xây dựng, tự thẩm định, kiểm tra độ an toàn, bảo dưỡng hạ tầng thiết bị trạm và tự chịu trách nhiệm, nếu có sai sót xảy ra.
Hiện nay, phần lớn các cột ăng ten thu phát sóng đã được xây dựng trước khi các thông tư ra đời nên nhiều trường hợp, việc cấp phép lại phải đi sau một bước. Trước vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phú cho biết: “Thời gian qua, sở đã từng bước rà soát lại hệ thống trạm BTS. Riêng nhà mạng Viettel, sở đã rà soát, cấp 300 giấy phép cho 300 trạm BTS của doanh nghiệp. Ngoài Viettel, còn có VinaFone và MobiFone là những nhà mạng có nhiều trạm phát sóng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trạm đã xây dựng nhưng chưa có phép. Sở đang tiếp tục rà soát, nếu xét thấy hội đủ điều kiện sẽ cấp phép, còn không sẽ xử phạt, yêu cầu tháo gỡ, di dời đến vị trí phù hợp”.
BÍCH LIÊN