Số hóa truyền hình

TRIÊU NHAN 12/12/2013 11:46

Những năm qua, cũng như các đài địa phương trong khu vực, Đài PT-TH Quảng Nam (QRT) đang nỗ lực “đi tắt đón đầu” thực hiện lộ trình số hóa để về đích đúng hạn.

Đề án “Số hóa truyền hình Việt Nam” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg năm 2011. Theo đó, cả nước sẽ hoàn thành số hóa và ngừng phát sóng truyền hình tương tự theo 4 giai đoạn. Quảng Nam theo kế hoạch sẽ hoàn tất số hóa ở giai đoạn 3 (trước 31.12.2018). Trong buổi tọa đàm “Số hóa truyền hình - cơ hội và thách thức” được tổ chức tại Quảng Nam gần đây, có rất nhiều ý kiến xung quanh lộ trình số hóa. Chẳng hạn, lộ trình này sẽ đem lại cơ hội cho các đài địa phương mở rộng vùng phủ sóng khi chương trình được truyền tải trên nhiều hệ thống, phương tiện 3G, 4G, internet hay vệ tinh, mặt đất… Sự xuất hiện nhiều chương trình truyền hình địa phương trên một hệ thống sẽ cho khán giả có nhiều sự lựa chọn, so sánh, đánh giá… Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho đài địa phương cũng không nhỏ. Với hơn 100 kênh truyền hình dày đặc như vậy, chắc chắn đài địa phương sẽ không còn giữ vị trí độc tôn đối với khán giả truyền hình địa phương. 

Với hơn 100 kênh truyền hình, khán giả sẽ có nhiều lựa chọn, so sánh, đánh giá.                                  Ảnh: B.LIÊN
Với hơn 100 kênh truyền hình, khán giả sẽ có nhiều lựa chọn, so sánh, đánh giá. Ảnh: B.LIÊN

Chia sẻ về thuận lợi cũng như khó khăn trong lộ trình số hóa truyền hình, ông Huỳnh Xuân Hải - Phó Giám đốc Đài PT-TH Quảng Nam cho biết, đây là xu thế không thể đảo ngược, đài đã sớm đưa ra giải pháp “đi tắt đón đầu”, việc sản xuất và phát sóng bằng phương thức kỹ thuật số đã được áp dụng nhiều trong năm nay và đem lại hiệu quả. Đến nay, đài tỉnh đã tinh giảm được bộ máy nguồn lực phục vụ tác nghiệp do một người có thể làm được nhiều việc, thao tác cùng một thời điểm, tư duy, cách làm của đội ngũ phóng viên - biên tập viên được nâng cao để thích ứng với mô hình sản xuất mới. Chi phí đầu tư các thiết bị đắt tiền theo công nghệ analog thời gian qua được tiết kiệm đáng kể. Hiện nay, sóng QRT được phủ rộng toàn tỉnh, ra toàn quốc và quốc tế nhờ truyền hình vệ tinh, 3G, internet… Tuy nhiên, ông Huỳnh Xuân Hải cũng nhấn mạnh, bên cạnh yếu tố thuận lợi, QRT cũng đối diện với không ít khó khăn như: cả nước chưa có một định dạng chuẩn cho việc sản xuất, lưu trữ, phát sóng trong ngành truyền hình nên mỗi đài tự lựa chọn một định dạng riêng. Việc trang bị thiết bị, phần mềm sản xuất, phát sóng cũng khác, dẫn đến sản phẩm cuối cùng là file chương trình có định dạng, chuẩn nén codec cũng khác, gây khó khăn cho việc trao đổi tư liệu, tin tức giữa các đài. Nguồn kinh phí đầu tư cho trang thiết bị vẫn còn hạn chế, trong khi nhu cầu về sản xuất và thời lượng phát sóng của đài ngày càng cao (18 tiếng/ngày). Trang thiết bị kỹ thuật truyền hình đầu tư cho nhiều khâu vẫn chưa thực sự đồng bộ, tường lửa (fire wall) vẫn chưa được xây dựng trên toàn hệ thống, việc tìm kiếm giải pháp lưu trữ tư liệu tối ưu… vẫn là nỗi trăn trở của đài. Khó khăn lớn nhất QRT hiện nay là giải quyết hợp lý đội ngũ nhân lực đang công tác tại mảng truyền dẫn - phát sóng và cả việc chuyển đổi, sắp xếp, đào tạo lại nguồn nhân lực.

 TRIÊU NHAN

TRIÊU NHAN