Bình ổn hàng hóa phục vụ tết
Nhằm bình ổn thị trường, giá cả, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 đầy đủ, Sở Công Thương và các doanh nghiệp đang nỗ lực triển khai công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết…
Đảm bảo không “sốt” hàng
Theo báo cáo của Sở Công Thương, trong 11 tháng đầu năm 2013, nhìn chung tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh khá ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào, sức mua tăng so với cùng kỳ năm 2012. Toàn tỉnh vừa trải qua cơn bão số 11 gây thiệt hại nặng về kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân nhưng về cơ bản thị trường cung cầu hàng hóa vẫn đảm bảo, không xảy ra tình trạng “sốt” hàng và tăng giá đột biến. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng 2013 ước đạt hơn 24.443 tỷ đồng, tăng 23,04% so với cùng kỳ năm trước. “Tuy nhiên, bước vào những tháng cuối năm sức mua dự báo sẽ tăng cao (khoảng 25 - 30% so với thời điểm hiện nay), không ngoại lệ có các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến các mặt hàng thiết yếu phục vụ tết. Do vậy, để chủ động các biện pháp bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, sở đã có Công văn số 1143/SCT-QLTM ngày 17.9.2013 phối hợp UBND các huyện thành phố và chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tỉnh triển khai chương trình bán hàng bình ổn giá phục vụ tết” - ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công Thương cho biết.
Người dân rất cần những đợt bán hàng bình ổn giá như thế này.Ảnh: T.ANH |
Đến nay đã có 10 doanh nghiệp đăng ký lập kế hoạch với tổng giá trị hàng hóa dự trữ hơn 130,4 tỷ đồng, bao gồm: gạo 4.051 tấn, nếp 32 tấn, dầu ăn 103.000 lít, bánh-kẹo-mứt 507.500kg, đường 310.500kg, thịt heo-bò-gà 11.600kg, rau-củ-quả 155.000kg và các loại hàng hóa khác. Các doanh nghiệp đăng ký 39 điểm bán hàng, bao gồm 22 điểm bán cố định. Trong đó có 10 điểm bán tại miền núi, 12 điểm bán tại vùng đồng bằng và 17 điểm bán lưu động chủ yếu phục vụ các địa bàn nông thôn và miền núi. UBND tỉnh cũng đã đồng ý hỗ trợ từ ngân sách tỉnh 40 tỷ đồng để các doanh nghiệp chủ động kế hoạch vay vốn mua hàng để dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường. “Thời gian hỗ trợ lãi suất theo thực tế phát sinh tiền vay là hai tháng kể từ ngày doanh nghiệp được giải ngân để mua hàng dự trữ phục vụ tết. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp thương mại, siêu thị đã và đang tích cực thu mua, dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu của nhân dân đón tết” - ông Thử cho biết thêm.
Cần chính sách thông thoáng
Từ sự hỗ trợ của tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành vay vốn để dự trữ hàng tết. Ông Nguyễn Đức Trung – Phó Giám đốc Công ty CP Lương thực và dịch vụ Quảng Nam cho biết: “Sau khi UBND tỉnh có quyết định, chúng tôi đã tiến hành lập thủ tục vay vốn và nhanh chóng được giải ngân. Hiện chúng tôi đã nhận được 11,3 tỷ đồng tiền vay từ Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) để dự trữ mặt hàng chủ lực là gạo”. Trong khi đó, theo bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ: “Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ dù đăng ký tham gia bình ổn giá nhưng quyết định không sử dụng nguồn ngân sách do UBND tỉnh hỗ trợ lãi suất vay mà để nhường cho các doanh nghiệp khác trên địa bàn. Bởi siêu thị đã có được nguồn hàng khá dồi dào từ tổng kho của Liên hiệp HTX Thương mại Saigon Co.op. Tuy không sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi nhưng siêu thị vẫn cam kết có giá tốt nhất cho bà con”. Đến thời điểm hiện tại, siêu thị Co.opMart Tam Kỳ đã lên kế hoạch dự trữ hàng tết với tổng trị giá hơn 65 tỷ đồng.
Tuy nhiên, có một thực tế, một số doanh nghiệp không mấy mặn mà với nguồn vốn ưu đãi của UBND tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp trữ hàng phục vụ tết. “Thời gian lên kế hoạch, làm việc với nhà phân phối và kéo hàng phục vụ tết về thường theo quy trình 6 tháng trong khi ngân sách chỉ hỗ trợ có 2 tháng, thực sự không giải quyết được gì nhiều cho phía doanh nghiệp chúng tôi. Ngoài ra, khi doanh nghiệp đăng ký tham gia nhận vốn hỗ trợ, sẽ bị kiểm soát từ địa điểm bán hàng, xuất hóa đơn chứng từ khá rắc rối trong khi không phải lúc nào dự báo bán hàng cũng đều suôn sẻ” - một đại diện doanh nghiệp tham gia phục vụ hàng hóa tết trên địa bàn tỉnh cho hay. Được biết, các địa phương khác trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, khi doanh nghiệp được UBND tỉnh đồng ý hỗ trợ vốn, ngoài thời gian được hưởng lợi lâu dài theo chu kỳ bán hàng tết, họ còn được nhận vốn trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước và được tin tưởng giao quyền tự quyết khi phục vụ hàng tết. “Chúng tôi mong một chính sách thông thoáng và cơ chế tài chính phù hợp trong việc hỗ trợ ngân sách phục vụ dự trữ hàng tết để doanh nghiệp phục vụ bà con được tốt hơn. Bởi, sẽ “tự giết mình” nếu hàng hóa bán ra không tốt trên phương diện giá trị, giá cả trong thời buổi cạnh tranh thị trường” - bà Trần Thị Như Lai nói.
CHIÊU THỤC ANH