Du lịch Đà Nẵng: Chưa hấp dẫn khách quốc tế
Mới đây, Đà Nẵng lọt vào Top 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á năm 2013 do độc giả Tạp chí Smart Travel Asia (tạp chí du lịch trực tuyến uy tín hàng đầu châu Á) bình chọn. Thế nhưng, phần lớn du khách đến Đà Nẵng đều là khách nội địa, lượng khách quốc tế chiếm dưới 25%. Vì sao?
Tỷ lệ 1/10
Vừa qua, tàu du lịch 5 sao Super Star Gemimi do hãng lữ hành Saigontourist khai thác đã cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) chở theo 600 du khách quốc tế (KQT), chủ yếu là khách Trung Quốc (TQ)... Trước đó không lâu, tàu Super Star Gemimi cũng chở 1.300 du khách TQ cập cảng Tiên Sa tham quan Đà Nẵng - Bà Nà - Hội An - Huế... Đại diện Saigontourist cho biết, tháng 11 này là tháng cao điểm nhất, có 15 chuyến tàu, cả năm 2013 sẽ là 66 chuyến tàu với hơn 64 nghìn lượt KQT, trong đó có 50% khách TQ. Khách TQ đến Đà Nẵng tăng mạnh, trên 100 nghìn lượt nhưng so với 1,5 triệu lượt khách TQ đến Việt Nam trong 10 tháng qua thì quá ít.
TP. Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch. Ảnh: T.BÌNH |
Theo báo cáo của UBND TP.Đà Nẵng, 10 tháng đầu năm 2013 Đà Nẵng đón 2,7 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa 2,1 triệu lượt (tăng 19%) và KQT 0,6 triệu lượt (tăng 14,7%) so với cùng kỳ. Nếu so với Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng hơn lượng khách nội địa, còn lượng KQT thì tương đương (Thừa Thiên Huế đón gần 2 triệu lượt du khách, có 0,6 triệu lượt KQT). Nhưng so với Quảng Ninh, 10 tháng qua thu hút 4,5 triệu lượt khách trong nước và 2 triệu lượt KQT thì Đà Nẵng còn kém xa. So với cả nước cùng thời điểm thì Đà Nẵng chỉ mới thu hút được 1/10 lượng KQT. Phải chăng Đà Nẵng chưa hội đủ các điều kiện để hấp dẫn khách nước ngoài?
Đà Nẵng là một trong ba vùng du lịch trọng điểm của cả nước, có lợi thế về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Có nhiều danh lam thắng cảnh như đèo Hải Vân, bán đảo Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Bà Nà, núi Chúa; có chiều dài bờ biển 70km với nhiều bãi biển đẹp, bảo tàng Chăm gắn kết với phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn và các tỉnh miền Trung. Đà Nẵng là cửa ngõ của Hành lang kinh tế Đông Tây. Giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không với nhà ga, bến cảng, sân bay quốc tế đều được nâng cấp. Đặc biệt là cơ sở hạ tầng phát triển nhanh và đồng bộ, môi trường sống khá tốt, cơ sở lưu trú đầy đủ, hiện đại, nguồn ẩm thực phong phú với nhiều loại đặc sản, chính quyền năng động, người dân mến khách... Tất cả điều đó đã tạo niềm tin cho các nhà doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến Đà Nẵng đầu tư, thúc đẩy thành phố này trở thành tâm điểm dịch vụ du lịch, thương mại của cả vùng miền Trung – Tây Nguyên. Thế nhưng, Đà Nẵng vẫn chưa khai thác tương xứng với tiềm năng, thể hiện hệ thống sản phẩm du lịch vẫn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu cả chất lẫn lượng.
Theo các chuyên gia, chất lượng dịch vụ du lịch là yếu tố quan trọng để giữ chân du khách. Ông Cao Trí Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vitours nhận xét: “Đà Nẵng vẫn chưa có một trung tâm mua sắm - giải trí đúng nghĩa thu hút du khách vào ban đêm. Chẳng hạn, khách Nga có đặc điểm là lưu trú dài ngày khi đến du lịch và thích các trò giải trí ban đêm nhưng Đà Nẵng lại thiếu điều đó. Ngoài ra, họ chỉ chọn ở khách sạn 3 - 4 sao ven biển trong khi ven biển Đà Nẵng phần lớn là khách sạn 5 sao. Chính vì vậy, họ chọn Nha Trang, Phú Quốc thay vì Đà Nẵng”. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, 10 tháng đầu năm nay Việt Nam đón 228.129 lượt du khách Nga và 618.704 lượt khách Hàn Quốc, trong đó Đà Nẵng chỉ thu hút 5.200 du khách Nga và hơn 40 nghìn du khách Hàn Quốc. Tính chung, lượng KQT đến Đà Nẵng trong những năm qua chỉ chiếm tỷ lệ 1/10 lượng KQT của cả nước .
Ít sản phẩm
Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp 30.4 là người dân, nhất là dân xứ Quảng ở khắp nơi đều háo hức chờ cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng trên dòng sông Hàn - một thương hiệu độc đáo của Đà Nẵng. Và không chỉ vậy, Đà Nẵng còn có Bà Nà với hệ thống cáp treo 4 kỷ lục thế giới; cả một “thành phố sự kiện” như: đường hoa xuân 2013; âm nhạc đường phố; lễ hội Quán Thế Âm; lễ Mục Đồng; cuộc thi marathon quốc tế và trại điêu khắc đá quốc tế 2013... nhưng chưa có cái nào thành sản phẩm du lịch. Bởi, những sự kiện, lễ hội như thế na ná nhau, chỉ làm một lần, phần lớn là trình diễn văn nghệ, không tạo thành nếp sinh hoạt văn hóa của dân chúng, thiếu tính đồng bộ và thiếu liên kết văn hóa di sản giữa các vùng miền. Đây là thuộc tính phổ biến của sản phẩm du lịch hiện nay, cũng là điểm yếu của du lịch cả nước nói chung và du lịch Đà Nẵng nói riêng. Xem ra, để phát triển du lịch bền vững chính là phần hồn ẩn chứa trong mỗi di tích văn hóa, ở những giá trị lịch sử và các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Mới đây, sau 4 hành trình di sản, Festival Di sản Quảng Nam 2013 đã thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế bởi đó đích thực là lễ hội của văn hóa dân gian truyền thống, của sự trở về và kết nối di sản ASEAN, là kinh nghiệm quý về tổ chức sự kiện văn hóa du lịch quy mô quốc gia.
Đáng lo ngại, Đà Nẵng đang thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn nhân lực du lịch. Theo thống kê của Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, tổng số lao động du lịch trên địa bàn thành phố hiện có 14 nghìn người, trong đó chưa đến 50% được đào tạo chuyên môn. Như lao động trong ngành lữ hành chỉ có gần 800 người (chiếm 6%); đội ngũ hướng dẫn viên hơn 500 người (chiếm 4%) nhưng số hướng dẫn viên có thẻ hành nghề mới 25 người. Trong khi đó, khoảng 10 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng nghề chỉ đào tạo được mỗi năm khoảng 4 - 5 nghìn lao động du lịch, mới đáp ứng được 20% so với nhu cầu. Đến năm 2015, Đà Nẵng có khoảng 15.700 phòng khách sạn 4 - 5 sao, ước tính cần thêm 16 nghìn lao động cho các khách sạn này, chưa kể các khách sạn, nhà hàng nhỏ khác. Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng chia sẻ: “Ngành du lịch hiện nay đóng góp cho thành phố hơn 7.000 tỷ đồng/năm. Hiệp hội Du lịch phối hợp với chính quyền và các trường nghiệp vụ nỗ lực xây dựng các mô hình đào tạo ngắn hạn, trung hạn cung cấp nguồn nhân lực giỏi và chuyên nghiệp cho ngành du lịch Đà Nẵng, hướng đến mục tiêu đón 5 triệu du khách vào năm 2020, trong đó có 1 - 2 triệu lượt khách quốc tế”.
NGUYỄN THANH BÌNH