Quản lý xây dựng cơ bản: Cần kiểm soát chặt chẽ

TRỊNH DŨNG 22/11/2013 09:14

Mặc dù Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều biện pháp và chỉ đạo quyết liệt việc kiểm soát, siết chặt đầu tư công. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, nợ vốn đầu tư lớn vẫn đang là thách thức...
Tăng mạnh vốn đầu tư

Con số 5.492 tỷ đồng, tăng hơn 1.850 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2013 và tăng 145% so với năm 2012 là tổng nguồn vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước năm 2013 vừa được Sở KH&ĐT công bố. Lượng vốn “gia tăng bất ngờ” trong điều kiện ngân sách hạn hẹp của mấy năm nay minh chứng cho nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng để thúc đẩy quá trình đầu tư của Quảng Nam. Nhờ nguồn vốn này, các tuyến ĐT hoàn thành đưa vào sử dụng đã đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của người dân, tạo sự liên kết giữa các vùng trong tỉnh. Hình ảnh dễ thấy nhất là việc khánh thành cầu Gò Nổi hôm 4.9.2013 đã giúp người dân 2 huyện Duy Xuyên, Điện Bàn không còn cảnh đò giang cách trở hay tắc đường vào mùa lũ năm nay. Ngoài ra, nhiều chương trình, dự án, hạng mục công trình đã được đưa vào sử dụng, như các dự án nạo vét luồng cảng Kỳ Hà, đường trục chính qua Khu công nghiệp Tam Hiệp, cảng Tam Hiệp, Kỳ Hà, khu tái định cư Tam Anh, đường vào Khu công nghiệp Thương Tín, kè chống xâm thực biển Hội An...

Đường vào Khu công nghiệp Tam Hiệp, cảng Kỳ Hà đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: T.D
Đường vào Khu công nghiệp Tam Hiệp, cảng Kỳ Hà đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: T.D

Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn bố trí từ vốn ngân sách nhà nước cho các dự án còn quá thấp như cầu Cửa Đại, dự án nạo vét luồng cảng Kỳ Hà, cầu Kỳ Phú 1 & 2. Nhiều dự án như cải tạo nhà hát ngoài trời Hội An, nhà khách UBND tỉnh, tường rào Trung tâm Giáo dục – lao động xã hội Quảng Nam, đường ĐT 608 từ quốc lộ 1 đi Hội An có khối lượng thực hiện trên 70 tỷ đồng, nhưng hiện nay các dự án chưa có nguồn để cân đối do khả năng thu không đảm bảo. Ngay cả nguồn bổ sung từ ngân sách tỉnh chủ yếu trả nợ tạm ứng ngân sách tỉnh và các dự án cấp bách khác vẫn chưa có nguồn bố trí với khoảng 265 tỷ đồng nhưng ngân sách chỉ đáp ứng tối thiểu 185 tỷ đồng, số còn lại vẫn chưa biết tìm nguồn đâu ra.

Kiểm soát chưa chặt chẽ

Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ ra đời tháng 10.2011 đã yêu cầu kiểm soát chặt chẽ đầu tư công. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành nhiều giải pháp về tăng cường công tác quản lý, siết chặt đầu cư công. Tuy nhiên, trước yêu cầu bức xúc của các địa phương, thời gian qua, số lượng công trình mới và chủ trương đầu tư vẫn còn quá nhiều. Điều này đã dẫn đến vượt khả năng cân đối của nguồn vốn, tiến độ thi công kéo dài, số nợ đọng có chiều hướng tăng lên so với thời điểm 30.6.2013 (tổng số nợ đọng của các địa phương thời điểm 30.6.2013 là 905 tỷ đồng đã tăng lên 1.200 tỷ đồng). Tổng số các công trình mới đầu tư năm 2013 địa bàn tỉnh lên đến trên 522 công trình. Trong đó,  có đến 500 công trình do các địa phương quản lý.

Ông Trần Văn Tri - Giám đốc Sở KH&ĐT nói, quy mô đầu tư một số công trình vượt xa so với nhu cầu vẫn còn quá nhiều. Năm nào cũng bố trí vốn trả nợ và dự án luôn trong tình trạng chưa hoàn thành. Đó là chưa kể đến việc ủy quyền và phân cấp đầu tư bộc lộ quá nhiều hạn chế. Gần như mạnh địa phương nào địa phương nấy làm và thiếu sự kiểm soát. Đường đến trung tâm các xã Chà Vàl – Đắc Pre – Đắc Pring có thiết kế nền đường 5,5m nhưng bồi thường có nơi bình quân đến 50m dọc tuyến. Do chi phí đền bù quá cao hoặc phát sinh nhiều so với dự án ban đầu nên việc bố trí vốn thanh toán của địa phương gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn, tổng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng cho 14 dự án trọng điểm của Tam Kỳ đã đội lên rất nhiều. Thành phố cần 788 tỷ đồng và kế hoạch năm 2014 cần triển khai khoảng 340 tỷ đồng. Đây là khoản kinh phí quá lớn, ngân sách khó có thể đảm đương nổi chuyện này trong bối cảnh thu ngân sách gặp khó khăn và các nguồn lực từ Trung ương mỗi ngày càng hạn chế thêm.

Ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính nói, nếu tính toán cụ thể thì nợ khối lượng kéo dài nhiều năm của 1.347 dự án là rất lớn, chưa có cách gì xử lý được. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Kim Hùng cho rằng, cần gia tăng kiểm soát vốn, dự án… mới có thể hạn chế được công trình vượt dự toán, đầu tư dàn trải, kéo dài hay nợ đọng. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang, việc lập dự án đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, giám sát, đánh giá quy hoạch, quy trách nhiệm đã chưa được thực hiện một cách chặt chẽ. Hậu quả là đầu tư dàn trải, lãng phí, chi phí đầu tư tăng cao, hiệu quả đầu tư thấp. “Cần kiểm soát chặt chẽ việc thẩm định dự án khả thi và nguồn vốn đầu tư” -  Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang nói.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG