Đầu tư phát triển du lịch Cù Lao Chàm: Nguồn vốn ở đâu?

QUỐC HẢI 19/11/2013 11:34

Đã có chương trình hành động nhưng nguồn vốn để thực hiện phát triển du lịch Cù Lao Chàm đang là vấn đề “đầu tiên”.

Mục tiêu

Có thể nói, đây là chủ trương phù hợp với thực tế, đáp ứng được mong mỏi của người dân nhằm phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại Cù Lao Chàm theo hướng bền vững. “Hàng loạt chương trình hành động với nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu cụ thể đã được đề ra vừa để tranh thủ sự góp ý của các tầng lớp nhân dân, vừa là cơ sở định hướng triển khai trong thời gian tới” - ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói.    

Cù Lao Chàm cần đầu tư hạ tầng để đáp ứng nhu cầu phát triển.                                                                                                                        Ảnh: Q.HẢI
Cù Lao Chàm cần đầu tư hạ tầng để đáp ứng nhu cầu phát triển. Ảnh: Q.HẢI

Mục tiêu đến năm 2015, du lịch Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) có hệ thống cơ sở vật chất tương đối đồng bộ, đáp ứng được nhu cầu cho 150 - 200 nghìn lượt khách đến tham quan hàng năm; doanh thu từ du lịch tăng từ 1,5 - 2 lần so với năm 2012. Tuy nhiên, khi tham gia góp ý về chương trình này, ông Phan Xuân Nhẫn - nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố, nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ nhưng điều băn khoăn nhất tôi có thể nói đầu tiên là tiền ở đâu?”. Câu hỏi đó mang tính cốt lõi khi mục tiêu đầu tiên của chương trình là “đến năm 2015, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại Cù Lao Chàm được đầu tư hoàn thiện và đồng bộ”. Trên thực tế, chỉ trong vòng 2 năm, từ khi chương trình được thông qua đến năm 2015, việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng trên đảo là hoàn toàn không thể. Trong khi đó, hiện chưa có quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội và quy hoạch chi tiết xã đảo Tân Hiệp, ngân sách thành phố cũng đang gặp khó khăn.

Mặc dù tỷ trọng doanh thu ngành du lịch - dịch vụ của Cù Lao Chàm chiếm khá cao trong cơ cấu kinh tế, năm ngoái đạt gần 31 tỷ đồng, nhưng việc tái đầu tư là chưa cao. Tỷ lệ doanh thu của các dịch vụ trong ngành cũng có sự chênh lệch lớn nên khó có khả năng tái đầu tư trở lại. Hiện dịch vụ vận chuyển chiếm đến 63% doanh thu, ăn uống 25%, lặn biển gần 5%, trong khi đó, doanh thu từ tham quan chỉ chiếm 3,4%, còn dịch vụ nghỉ trọ chưa tới 2%. Chính vì thế, sau khi HĐND TP.Hội An tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của các cán bộ hưu trí và chuyên gia am hiểu trên lĩnh vực du lịch vào tháng 7 vừa qua, nhiều ý kiến lo ngại nghị quyết chuyên đề này là chủ trương lớn nhưng “chỉ ở trên giấy”. Bà Huỳnh Thị Kim Dung - Trưởng ban Kinh tế - xã hội HĐND thành phố cho biết: “Vấn đề đặc biệt quan trọng là kinh phí để thực hiện khái toán tổng thể là bao nhiêu, gồm những nguồn nào, phân kỳ đầu tư cho từng năm, từng giai đoạn như thế nào thì chưa thấy phân tích, dự kiến. Dù đây là bài toán vô cùng khó khăn nhưng bắt buộc phải tìm được lời giải để đảm bảo sự chủ động và tính khả thi của chương trình”.

Chờ nguồn

Hiện nay, một nguồn đầu tư được cho là cơ sở quan trọng để thực hiện chương trình phát triển du lịch Cù Lao Chàm, đó là Quyết định 201 ngày 22.1.2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó Hội An là 1 trong 12 đô thị du lịch của cả nước và Cù Lao Chàm là 1 trong 9 khu du lịch quốc gia vùng duyên hải Nam Trung bộ. Theo quyết định này, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho Khu du lịch quốc gia Cù Lao Chàm là 350 triệu USD, được phân thành 4 giai đoạn, đến năm 2015 đầu tư 50 triệu USD, năm 2020 là 100 triệu USD, năm 2025 là 150 triệu USD và đến năm 2030 tiếp tục đầu tư 50 triệu USD. Hiện thành phố đang tích cực xúc tiến lập các hồ sơ để tranh thủ nguồn vốn này cũng như các nguồn khác từ Trung ương và tỉnh cho mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài. Tuy nhiên, phân kỳ cấp vốn thì đến năm 2015 mới bắt đầu.

Mới đây, ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An cũng cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có chủ trương kéo lưới điện quốc gia ra Cù Lao Chàm vào nửa cuối năm 2014. Với dự toán đầu tư ban đầu khoảng 350 tỷ đồng, đây là dự án ưu tiên số một trong sự phát triển của cụm đảo này trong thời gian tới. “Dự án kéo lưới điện quốc gia ra Cù Lao Chàm là khả thi vì đã có nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, chương trình công tác của UBND tỉnh. Với 350 tỷ đồng, có sự hỗ trợ cấp vốn từ Chương trình biển Đông hải đảo, cùng với ngân sách thành phố đóng góp trong thời gian 3 năm sẽ tạo ra nhiều thuận lợi lớn đối với Hội An” - ông Nguyễn Sự khẳng định. Hiện thành phố đã đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ 8 tỷ đồng để lập báo cáo đầu tư và khảo sát.

Hy vọng, câu chuyện về vốn đầu tư phát triển du lịch tại Cù Lao Chàm sẽ sớm có nguồn để hoàn thành các dự án ưu tiên trong giai đoạn 2013 - 2015, như: lập quy hoạch không gian, kiến trúc, xây dựng các khu dân cư; lập phương án đầu tư đưa lưới điện quốc gia ra đảo; quy hoạch nâng cấp hệ thống cầu cảng, các khu sinh hoạt cộng đồng…

QUỐC HẢI

QUỐC HẢI