Dang dở đường làng nghề

TRẦN HỮU 11/11/2013 14:08

Một con đường vừa được khai thông dọc theo các làng nghề truyền thống ở thôn Tân Phú, xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ). Tuy nhiên, vì thiếu vốn, vướng giải phóng mặt bằng nên đường bị cắt ra nhiều đoạn để thi công, không mấy thẩm mỹ.

THÔN Tân Phú từ lâu nổi tiếng với các nghề thủ công truyền thống như sửa chữa, đóng mới tàu thuyền; nghề rỗi cá và khai thác, chế biến hến dọc ven sông Bàn Thạch, Trường Giang. Trước đây, khi xây dựng đường Bạch Đằng, chợ cá Tam Kỳ đã dời về sát sông Bàn Thạch (thuộc xã Tam Phú). Để tiện cho việc vận chuyển hải sản, kết hợp với dự án phát triển làng nghề, TP.Tam Kỳ đã đầu tư hàng tỷ đồng thảm nhựa tuyến đường dài hơn 1km nối từ tuyến ĐT615 về chợ cá, hoàn thiện kết cấu hạ tầng cơ bản. Ngay tại chợ cá, chính quyền còn quy hoạch cho doanh nghiệp chuyên sửa chữa, đóng mới tàu thuyền vào hoạt động. Thế nhưng, địa điểm làng nghề truyền thống chủ yếu tập trung ở xóm Thuyền, xóm Rỗi và xóm Lưới (thuộc thôn Tân Phú). Năm 2013, từ nguồn vốn của tỉnh, kết hợp với ngân sách địa phương, TP.Tam Kỳ quyết định đầu tư làm đường giao thông, tạo thuận lợi cho làng nghề đóng tàu được hồi sinh. Dự án do Trung tâm Phát triển các khu – cụm công nghiệp và thương mại – dịch vụ TP.Tam Kỳ làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty TNHH Minh Thi.

Sau thời gian thi công, đường bê tông rộng hơn 3m đã được mở từ chân cầu Tam Phú vào làng nghề, trải dọc theo bờ sông rất đẹp. Khi nghe chủ trương làm đường vào làng nghề, người dân nơi đây rất phấn khởi, tự nguyện hiến đất, cây cối trong vườn. Tuy nhiên, vướng mắc ở đây là có một số nhà nằm sát mép sông, muốn thi công đường thẳng bắt buộc phải giải tỏa trắng. Người dân địa phương cho biết, đường đã mở nhưng chẳng vui vì đang gặp vướng bởi một ngôi nhà nằm cắt ngang giữa tim đường chưa giải tỏa được. Theo người dân, Nhà nước chỉ cần bỏ tiền ra đền bù, di dời nhà dân thì làng nghề sẽ có đường lưu thông liền mạch.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tam Phú – ông Nguyễn Quang Cư, đường làng nghề được xây dựng từ chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm. Khi thi công đến đoạn nhà ông Trần Văn Kiêm thì dừng lại vì không thể giải tỏa được. Do vậy, đơn vị thiết kế đường buộc phải mở nhiều đoạn xuyên qua làng. Nguồn vốn eo hẹp nên không thể đền bù nhà cửa, bố trí cho người dân tái định cư. Còn ông Đỗ Văn Minh – Giám đốc Trung tâm Phát triển các khu - cụm công nghiệp và thương mại - dịch vụ TP.Tam Kỳ giải thích: “Ngân sách của tỉnh rót về năm nay xây dựng hạ tầng làng nghề truyền thống chỉ 500 triệu đồng nên không thể xây đường giao thông theo ý muốn. Chính vì không giải tỏa được nhà dân nên việc thiết kế, thi công đường phải bám theo hiện trạng cũ”. Cũng theo ông Minh, nếu có nguồn vốn dồi dào, việc mở rộng đường dọc ven sông sẽ rất thuận tiện cho nhân dân đi lại, nhanh chóng khôi phục làng nghề. “Muốn có con đường đẹp bám dọc ven sông, đòi hỏi có nguồn lực đầu tư lớn, phải bồi thường, giải phóng mặt bằng và bố trí chỗ ở mới cho người dân.  Trong khi đó, vốn dành cho khôi phục làng nghề thì khiêm tốn” – ông Minh phân trần.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 21.6.2012, UBND TP.Tam Kỳ quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình làng nghề đóng sửa tàu thuyền Tân Phú với mục tiêu đầu tư xây dựng là đường vào làng nghề đóng, sửa tàu thuyền Tân Phú nhằm đảm bảo lưu thông thuận lợi, phát triển làng nghề. Toàn tuyến có chiều dài là 691m và bề rộng mặt đường là 3,5m, tổng vốn đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng. Thực tế, mối quan tâm của chính quyền xã Tam Phú lâu nay chính là liên thông đường sá, xích gần các làng nghề truyền thống lại với nhau. Hiện tại, xung quanh khu vực đánh bắt, chế biến hến ở làng Tân Phú… tình trạng ô nhiễm môi trường, đường đất ngập úng vào mùa mưa luôn ở mức báo động. Uớc mơ có đường bê tông cao ráo không bị nước úng chia cắt luôn cháy bỏng trong mỗi người dân làng chài Tân Phú.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU