Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc: Hành trình 10 năm
Sau 10 năm phát lệnh khởi công xây dựng đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (ĐTMĐN), vùng đất cát phía đông Điện Bàn đã có nhiều khởi sắc.
Thành quả
ĐTMĐN được xem là khu đô thị tổng hợp bao gồm khu đại học, đào tạo nghề, khu thương mại dịch vụ, du lịch, y tế, thể thao, khu công nghiệp và các khu đô thị, dân cư. Ông Đặng Hoàng Duy - Trưởng ban Quản lý phát triển ĐTMĐN cho biết, trong 10 năm qua, công tác cải cách hành chính được đơn vị thực hiện triệt để. Các dự án đầu tư tại đô thị mới đều được giải quyết thủ tục gọn nhẹ theo cơ chế “một cửa tại chỗ” và “một cửa liên thông”. Đặc biệt, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư (TĐC) được xem là nhiệm vụ trọng tâm được xúc tiến quyết liệt, được đa số nhân dân trong vùng dự án đồng tình ủng hộ. Đến nay, tổng diện tích đất đã thực hiện bồi thường trên 460ha với tổng kinh phí 357 tỷ đồng, 2.268 hộ dân bị ảnh hưởng và đã bố trí TĐC được 510 hộ.
Phối cảnh trục đường chính khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. |
Bên cạnh đó, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đã được chú trọng, nhiều công trình hạ tầng quan trọng đã hoàn thành như các tuyến giao thông kết nối nội bộ trong từng dự án dài trên 30km bê tông nhựa, 54km hệ thống thoát nước đô thị, 5 trạm biến áp hạ thế và hơn 30km đường điện… Tổng mức đầu tư gần 2.500 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 34 tỷ đồng, còn lại toàn bộ là vốn doanh nghiệp đầu tư. Nhiều dự án đầu tư xây dựng đã hoàn thành đưa vào sử dụng, tiêu biểu như khu biệt thự cao cấp Bồng Lai 25ha thuộc khu dân cư số 6 được Công ty TNHH Chí Thành đầu tư trên 300 tỷ đồng, 2 khu đô thị 1A và 1B của Công ty 501&545 thuộc CIENCO 5, khu đô thị số 3 của Công ty VINACONEX 25, khu dân cư phố chợ Điện Ngọc thuộc khu đô thị số 9, Phòng khám đa khoa Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc... đã tạo nên dáng dấp một đô thị sinh thái hiện đại.
Sự ra đời của ĐTMĐN và lực hút đầu tư từ 2 Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Điện Ngọc - Hội An đã thúc đẩy 5 xã vùng cát phía đông huyện Điện Bàn thay đổi cơ bản, từ kinh tế thuần nông đã chuyển sang phát triển nhanh công nghiệp - dịch vụ, giảm tỷ lệ đói nghèo còn dưới 10%, giải quyết trên 3.000 lao động địa phương, thu hút hơn 30.000 lao động từ các địa phương khác. Đáng khích lệ là 5 xã này vừa đạt tiêu chuẩn đô thị loại V cùng lúc với thị trấn Vĩnh Điện đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, là tiền đề cơ bản để Vĩnh Điện trở thành thị xã vào năm 2015.
Cần gỡ những “nút thắt”
Tầm quan trọng của ĐTMĐN đã được Thủ tướng Chính phủ tiếp tục khẳng định tại Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 12.8.2008 về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó nêu rõ ĐTMĐN nằm trong cụm đô thị động lực miền Trung gồm Chân Mây - Đà Nẵng - Điện Nam Điện Ngọc - Hội An, chức năng chính là tập trung phát triển về công nghiệp, đào tạo nghề, nhà ở và các dịch vụ hỗ trợ khác. Tuy nhiên, đến nay ĐTMĐN phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, kết quả còn khiêm tốn so với mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo tỉnh đề ra.
Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 5.1999, có diện tích tổng thể 2.700ha, hoàn thành vào năm 2020 theo tiêu chí đô thị loại III quy mô 15 vạn dân. Đến nay, trong toàn khu đã thu hút được 41 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 15.500 tỷ đồng và 320 triệu USD, diện tích giao đất hơn 1.250ha (tỷ lệ lấp đầy trên 60%). |
Nút thắt lớn nhất là các công trình trọng điểm chưa được Nhà nước quan tâm đầu tư như: dự án đường trục chính ĐT603 nối dài qua khu đô thị mới triển khai thi công theo hình thức BT vào cuối năm 2012 đến nay vẫn còn vướng nhiều thủ tục. Tương tự, dự án mở rộng ĐT603A - 607 (Đà Nẵng đi Hội An) thực hiện từ đầu năm 2010 đến nay cũng chỉ đến đoạn trước cổng Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Hay dự án nạo vét khơi luồng sông Cổ Cò nối sông Hàn vẫn chưa triển khai. Việc xây dựng những tuyến đường huyết mạch ở vị trí đắc địa như thế sẽ là những bước mở đầu cho sự phát triển kinh tế và giao thương của ĐTMĐN đến Hội An và TP.Đà Nẵng. Nhìn từ góc độ khác, hầu hết dự án tại ĐTMĐN là của các doanh nghiệp thực hiện theo phương thức “đổi đất lấy hạ tầng”. Nguồn vốn các dự án chủ yếu do doanh nghiệp đầu tư nên chưa đáp ứng yêu cầu thực tế cũng như đảm bảo tiến độ thời gian. Nhiều nhà đầu tư còn yếu về năng lực tài chính, thêm vào đó là thị trường bất động sản bị chìm lắng kéo dài nên từ năm 2011 đến nay nhiều dự án buộc phải giãn tiến độ hoặc dừng thi công. Trước thực trạng này, Ban quản lý phát triển ĐTMĐN đã xem xét, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, có thể cho phép kéo dài thời hạn đầu tư từ 3 - 5 năm, tùy theo quy mô dự án. Song cũng cần thiết “nói không” với các dự án triển khai quá chậm. Ngoài ra, cần bắt buộc các nhà đầu tư phải nộp tiền ký quỹ đầu tư trước khi triển khai các bước tiếp theo của giai đoạn chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng dự án vào đô thị. Có như vậy, nhà đầu tư sẽ cân nhắc kỹ, lựa chọn dự án đầu tư khả thi và có điều kiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành dự án trong đô thị mới.
XUÂN LAN