Giấy phép hết hạn, vẫn khai thác khoáng sản

TRẦN HỮU 07/11/2013 08:31

Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp (DN) khai khoáng, đặc biệt khoáng sản vàng đã hết thời hạn ghi trong giấy phép, song vẫn hoạt động công khai. Trong khi đó, ngành chức năng lại lúng túng trong xử lý.

Vô tư khai thác

Cuối tháng 10, có mặt tại khu vực Bãi Muối (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn), chúng tôi nhận thấy dây chuyền sản xuất của nhà máy thuộc Công ty TNHH Phước Minh vẫn hoạt động bình thường. Hơn 100 công nhân tham gia tuyển lọc quặng vàng, ra vào hầm lò. Không khí sản xuất nơi đây diễn ra gấp gáp. Thông thường, vào mùa mưa các DN khai khoáng tạm đóng cửa mỏ, hoặc sử dụng ít lao động vì nguy cơ sạt lở hầm lò luôn rình rập. Thế nhưng bất chấp thời tiết xấu, giấy phép hành nghề đã hết thời hạn từ tháng 5.2013, DN này vẫn vô tư hoạt động, không đóng cửa mỏ theo luật định. Tìm hiểu thực tế chúng tôi còn biết, tại xã Phước Thành còn có Công ty TNHH Nghĩa Sơn cũng ung dung tận thu vàng khi giấy phép hết hiệu lực. Tương tự, xã Phước Hiệp (Phước Sơn), Công ty CP Khoáng sản S.S.G chi nhánh Quảng Nam đã hết hiệu lực giấp phép từ tháng 8.2013 nhưng không đóng cửa mỏ.

Tại sao giấy phép đã hết hạn mà DN vẫn ngang nhiên, công khai tận thu vàng? Về vấn đề này, ông Hoàng Đình Nhất - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Phước Sơn giải thích, theo luật thì DN phải dừng sản xuất, nhưng vướng mắc của địa phương là Nghị định của Chính phủ ngày 9.3.2012 và Quyết định 23 của UBND tỉnh ngày 20.8.2012 quy định trong trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hạn nhưng hồ sơ đề nghị gia hạn đang được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét thì tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản được tiếp tục khai thác theo giấy phép đến thời điểm được gia hạn hoặc đến khi có văn bản trả lời giấy phép không được gia hạn của cơ quan có thẩm quyền. Chính từ các văn bản “mở” này mà ngành chuyên môn của huyện không thể tham mưu xử lý DN được.

Thả nổi quản lý?

Theo ông Bùi Văn Ba - Trưởng phòng Khoáng sản (Sở TN&MT)về nguyên tắc, hết thời gian ghi trong giấy phép, cơ quan quản lý nhà nước ra thông báo bằng văn bản, DN phải đóng cửa mỏ, nhưng trong thời gian chờ gia hạn các đơn vị vẫn khai thác. “Chúng tôi biết rõ nhiều DN đã hết giấy phép cách đây vài tháng nhưng vẫn tận thu vàng. Trong thời gian chờ quyết định của Bộ TN&MT gia hạn (Luật Khoáng sản 2010 không cho phép UBND tỉnh cấp mới hoặc gia hạn – PV), ngành tham mưu cũng rất lúng túng khi xử lý.

Đến nay trên địa bàn tỉnh có 6 giấy phép khai thác vàng do UBND tỉnh cấp đã hết hiệu lực hoạt động xin gia hạn; còn 18 giấy phép, trong đó có 2 giấy phép do Bộ Công Thương cấp còn thời gian khai thác.

Sau khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực từ tháng 7.2011, Sở TN&MT đã rà soát hồ sơ, kiểm tra, thẩm định năng lực hoạt động của các DN sắp hết giấy phép để tổng hợp xin gia hạn. Theo đó, ngày 6.8.2013, sở có Văn bản số 181/TTr-STNMT về việc đề nghị Bộ TN&MT cho phép UBND tỉnh gia hạn hoặc cấp lại các giấy phép khai thác vàng gốc đã hoặc sắp hết thời hạn, gồm Công ty TNHH Trường Sơn có 2 điểm khai thác tại bãi 234, xã Phước Lộc và G.18, xã Phước Thành (Phước Sơn), Chi nhánh Công ty TNHH Hữu Minh tại Quảng Nam, Công ty TNHH Phước Minh, Công ty TNHH Nghĩa Sơn, Công ty CP Khoáng sản S.S.F chi nhánh Quảng Nam. Tuy nhiên, đến nay Bộ TN&MT vẫn chưa có quyết định chính thức về việc các DN trên có tiếp tục được khai thác nữa hay không. Điều đó đồng nghĩa, các DN trên hoạt động là bất hợp pháp. Đại diện lãnh đạo Sở TN&MT cho biết, trước đây thẩm quyền cấp phép thuộc UBND tỉnh, nhưng theo quy định luật mới thì thuộc cấp Trung ương. Nhiều DN khai khoáng dở khóc dở cười, khi bỏ vốn đầu tư lớn, chưa tận thu được là bao phải tạm dừng, vì thế họ hoạt động cầm chừng.

Trong khi đó, trước tình trạng khai thác khoáng sản trái phép rất “nóng” gây nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, xâm hại rừng, tai nạn lao động, gây thất thoát tài nguyên…, UBND tỉnh đã khoanh vùng các khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ để xin đề nghị cấp phép như ở khu vực Đá Ngựa (thuộc địa bàn huyện Phú Ninh và Thăng Bình); thôn 7 (xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước); các bãi 39, xã Phước Hòa; thôn 4, xã Phước Đức và thôn 8, xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn). Đây là những khu vực không nằm trong quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng vàng đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Thế nhưng, cuối tháng 9 vừa qua, Phó Thủ trướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã không chấp thuận đề xuất trên, đồng thời chỉ đạo chính quyền tỉnh tăng cường công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản vàng chưa khai thác theo đúng Luật Khoáng sản.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU