Đầu tư phát triển hạ tầng du lịch: Cần huy động nguồn lực của doanh nghiệp

TRỊNH DŨNG 06/11/2013 13:21

Quảng Nam xác định phát triển du lịch nhanh và bền vững, trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng và cả nước. Tuy nhiên, những yếu kém về cơ sở hạ tầng đang là thách thức lớn.

Chưa tương xứng

Khách ken dày trên cầu cảng Cửa Đại (Hội An). Kẻ đón tàu cao tốc, người chờ tàu ra đảo. Không gian đặc quánh tiếng ồn, khói thuốc hòa tiếng sóng vỗ mạn thuyền. Khách mỗi ngày mỗi đông. Cảng “biên phòng” này không đủ sức chứa cho khách chờ đợi ra đảo ngắm sóng. Không gian trở nên ngột ngạt, nhất là mùa cao điểm du lịch. Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, Quảng Nam có đến 160 cơ sở (5.120 phòng) lưu trú. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú giai đoạn 2011 - 2013 đã tăng bình quân 11,2%/năm với doanh thu du lịch năm 2013 ước đạt 1.600 tỷ đồng và thu nhập xã hội từ du lịch năm 2013 ước đạt 3.670 tỷ đồng. Không gian phát triển du lịch đã được mở rộng và đa dạng hóa sản phẩm từ trung tâm đô thị đến làng quê, miền núi.

Thiếu cơ sở hạ tầng cảng nên cảnh bát nháo vẫn thường xuyên diễn ra. Ảnh: T.D
Thiếu cơ sở hạ tầng cảng nên cảnh bát nháo vẫn thường xuyên diễn ra. Ảnh: T.D

Nếu sự thiếu đổi mới sáng tạo nên chưa thể tạo ra một chiến lược quảng bá dài hạn và mở rộng thị trường hay sản phẩm du lịch chưa phong phú… vẫn là những thách thức không nhỏ cho du lịch Quảng Nam, thì sự thiếu hụt hạ tầng du lịch đã trở thành nỗi lo đánh mất vị thế trên bản đồ du lịch. Hạ tầng du lịch chưa được đầu tư tương xứng với một ngành được xem là mũi nhọn kinh tế của Quảng Nam. Theo Sở VH-TT&DL, nhiều năm qua ngành du lịch vẫn loay hoay đi tìm nguồn lực nên cơ sở hạ tầng du lịch thiếu hụt trầm trọng. Đó là sự thiếu hụt về cầu cảng du lịch, thiếu bãi đổ xe và hệ thống vệ sinh chưa đạt yêu cầu. Ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL nói, cơ sở hạ tầng thiếu hụt kinh phí đầu tư nên dù có tăng trưởng bình quân đến 20 - 30% mỗi năm, ngành kinh tế mũi nhọn này vẫn luẩn quẩn bơi trong bể khó khăn.

Thiếu nguồn lực đầu tư

Xu hướng phát triển du lịch Quảng Nam không nằm ngoài bức tranh chung của Việt Nam và thế giới. Đây là một ngành chiếm tới 10% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và tạo ra hàng triệu việc làm, đòi hỏi có đủ hạ tầng, quảng bá, xúc tiến đầu tư và trình độ đẳng cấp cũng như tay nghề khác nhau. Nhưng theo thống kê của Sở VH-TT&DL, trong vòng 6 năm qua (2007 - 2013), Quảng Nam chỉ mới đầu tư 6 dự án cơ sở hạ tầng du lịch. Đó là đường vào khu du lịch sinh thái Khe Lim (Đại Lộc), đường vào khu du lịch thác Grăng (Nam Giang), đường du lịch ven sông Tam Kỳ, hạ tầng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (Duy Xuyên), đường vào nhà cụ Phan Châu Trinh (Tam Lộc) và đường vào điểm du lịch thác Trắng – mỏ vàng Bồng Miêu (Phú Ninh). Tổng vốn đầu tư được duyệt 36,593 tỷ đồng, nhưng chỉ mới giải ngân được hơn 21,4 tỷ đồng. Trong số vốn này, nguồn ngân sách địa phương cũng chỉ chiếm hơn 4,8 tỷ đồng.

Cần hợp tác đầu tư, quản lý
Theo ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An, để giải quyết bài toán nan giải về đầu tư hạ tầng du lịch, tự mỗi doanh nghiệp phải đặt câu hỏi là doanh nghiệp có trách nhiệm gì với Nhà nước trong đầu tư xây dựng sản phẩm hay hạ tầng du lịch. “Cách tốt nhất vẫn là chuyện Nhà nước và doanh nghiệp hợp tác đầu tư, từ bến cảng, tàu xe và cả nhà vệ sinh... Những dịch vụ ấy phải có người chịu trách nhiệm, chứ Nhà nước không thể cả đầu tư và quản lý. Cái gì cũng Nhà nước hết thì không ổn” - ông Dũng nói.

Ngoài ra, năm 2010 cũng đã thảm nhựa, điện chiếu sáng đường du lịch ven biển với tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu chính phủ. Nguồn hỗ trợ chương trình mục tiêu quốc gia về hạ tầng du lịch khoảng 63 tỷ đồng chủ yếu trả nợ các tuyến Nam Phước – Trà Kiệu – Mỹ Sơn, đường du lịch ven biển và tiếp tục giải ngân cho các tuyến đường nhánh nối ĐT 610 đi các điểm du lịch như làng Bà Thu Bồn, làng nghề Mã Châu, Đông Yên – Thi Lai (Duy Xuyên), Đồng Vòng (Phú Ninh) và hạ tầng khu du lịch Bãi Chồng (Cù Lao Chàm, Hội An). Chín dự án hay sản phẩm du lịch được khai trương đón khách năm 2013 như làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn, Bhờ Hôồng, Đhrôồng, làng Zara (Nam Giang), Phú Ninh, du lịch cộng đồng Triêm Tây, không gian nhà Việt Vinahouse... đều khởi phát từ nỗ lực riêng lẻ của các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp.

Theo một số nhà hoạch định chính sách, nhìn vào số vốn đầu tư ít ỏi cho hạ tầng du lịch trong mấy năm vừa qua, dễ thấy một điều rằng sự đầu tư để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã không tương xứng. Các thống kê về đầu tư cơ sở hạ tầng chuyên môn như các cảng du lịch, bãi đỗ xe hay xử lý nước thải, bảo vệ môi trường... đều thiếu. Ngay cả cơ quan chủ quản cũng chỉ biết than phiền về sự “đói” kinh phí nên cũng chưa thể chọn hạ tầng nào thiết yếu để dồn nguồn lực đầu tư. Tất cả đều chờ vào nguồn vốn đầu tư từ Trung ương, phân bổ mỗi năm không nhiều nên mới xảy ra tình trạng yếu và chậm như hiện tại. Vì vậy, khá nhiều tài nguyên du lịch Quảng Nam từ biển đến rừng đều “đắp chiếu” chờ đợi. Ông Lê Tiến Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An nói, với kinh nghiệm nhiều năm làm du lịch, sự thiếu hụt hạ tầng du lịch là căn bệnh trầm kha xảy ra quá nhiều năm chưa thể giải quyết. Với du lịch thì các bến tàu, bến xe...  đạt chuẩn chính là hình ảnh hấp dẫn đầu tiên để tạo sự thân thiện cho du khách. Nhưng hiện tại, tất cả đều thiếu!

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG