Giao khoán quản lý bảo vệ rừng: Hiệu quả "kép"

BÍCH HẠNH 05/11/2013 09:09

Chính sách giao khoán quản lý rừng được thực hiện bài bản, khoa học đã mang lại hiệu quả “kép”: vừa bảo vệ tài nguyên rừng bền vững, vừa đem lại sinh kế ổn định cho cộng đồng dân cư sở tại.

Thời gian qua, để có cơ sở giao khoán rừng cho hộ và nhóm hộ gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), UBND tỉnh đã phê duyệt phương án điều chỉnh mở rộng lâm phận và sắp xếp, tổ chức lại các ban quản lý rừng phòng hộ trực thuộc Sở NN&PTNT. Theo nội dung phương án, các hạt kiểm lâm Nam Trà My, Nông Sơn và Đại Lộc thực hiện nhiệm vụ chi trả DVMTR đối với phần diện tích 20.299ha rừng do UBND xã quản lý, thuộc các lưu vực thủy điện Sông Tranh 2 - Trà Linh 3 - Tà Vi và Khe Diên. Theo thống kê của Quỹ bảo vệ - phát triển rừng, đến cuối tháng 10.2013, các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức giao khoán rừng đến 528 nhóm hộ với diện tích khoảng 95.000/181.172ha theo 7 đề án chi trả DVMTR tại các lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh gồm Phú Ninh, Sông Kôn 2, An Điềm - An Điềm 2, Sông Tranh 2 - Trà Linh 3 - Tà Vi, Đăk Mi 4, A Vương - Za Hung và Khe Diên.

Lễ ký kết hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng tại xã Chà Vàl, huyện Nam Giang vào ngày 23.10.
Lễ ký kết hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng tại xã Chà Vàl, huyện Nam Giang vào ngày 23.10.

Trong khi đó, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ bên ngoài về thực hiện chính sách chi trả DVMTR, Quảng Nam tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mở rộng phạm vi dự án chi trả DVMTR và hỗ trợ sinh kế tại lưu vực thủy điện Sông Bung 4. Ngoài thực hiện thí điểm thành công tại 5 thôn của xã Ma Cooih (Đông Giang), bắt đầu từ tháng 10.2013, dự án khởi động tại 2 xã Chà Vàl và Tà Pơ (huyện Nam Giang) nằm trong lưu vực thủy điện Sông Bung 4, gồm 48 nhóm hộ tham gia với tổng diện tích hơn 13.798ha. Ngày 23.10 vừa qua, Sở NN&PTNT và đoàn công tác của ADB, sau khi kiểm tra thực địa, các bên đã chứng kiến lễ ký kết hợp đồng khoán bảo vệ rừng giữa đơn vị quản lý rừng là Hạt Kiểm lâm huyện Nam Giang với các nhóm hộ dân nhận khoán tại xã Chà Vàl và Tà Pơ. Nhằm quản lý rừng chặt chẽ hơn, cuối tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh còn quyết định thành lập hai ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Sông Bung và Nam Sông Bung, trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Đây là hai đơn vị sự nghiệp có con dấu riêng, có chức năng quản lý, phát triển rừng trên diện tích đã giao, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện chính sách chi trả DVMTR.

Ông Huỳnh Đức, Giám đốc Quỹ bảo vệ - phát triển rừng cho biết, công đoạn giao khoán rừng để chi trả DVMTR tại các lưu vực thủy điện có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với chủ trương quản lý rừng bền vững, làm cho rừng thật sự có chủ và người dân được hưởng lợi khi bảo vệ rừng, thông qua hợp đồng khoán bảo vệ, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. “Chính sách chi trả DVMTR được thực hiện trên các lưu vực phần lớn diện tích giao khoán là rừng tự nhiên nên đã mang lại hiệu quả “kép”, vừa giữ rừng bền vững vừa ổn định sinh kế lâu dài cho người dân bản địa. Hầu hết dự án đã thu hút  đông đảo người dân và chính quyền các địa phương miền núi tham gia giữ rừng, lồng ghép kết hợp với các chương trình bảo vệ và phát triển rừng đang triển khai, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện thể chế pháp luật của Nhà nước trong công tác quản lý bảo vệ rừng” – ông Đức nói.

Cũng theo ông Đức, nhờ đôn đốc, có biện pháp chế tài mạnh nên nhiều chủ đầu tư các dự án thủy điện, thủy lợi đã nghiêm túc ký kết, chi trả DVMTR. Đáng tiếc, một số đơn vị cố tình dây dưa, phớt lờ trách nhiệm “trả nợ rừng”. Sắp đến, nếu doanh nghiệp nào bị nhắc nhở nhiều lần, Quỹ bảo vệ - phát triển rừng (đơn vị ủy thác) sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định xử lý, chấn chỉnh kịp thời.

 BÍCH HẠNH

BÍCH HẠNH