Nông dân tự làm phân vi sinh
Với sự hỗ trợ, hướng dẫn của địa phương, đồng bào dân tộc Mơ Nông ở xã Phước Năng (Phước Sơn) đã tự sản xuất phân vi sinh để bón cho cây trồng.
Vụ hè thu vừa qua bà con vùng cao thôn 2, xã Phước Năng, huyện Phước Sơn rất phấn khởi vì năng suất lúa tăng cao nhờ sử dụng chế phẩm phân bón vi sinh. Xã Phước Năng có 590 hộ dân với 2.022 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Mơ Nông. Đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, chủ yếu bám nương rẫy. Tại thôn 2, từ ngày người dân bắt đầu làm lúa nước năng suất có tăng nhưng không đạt yêu cầu, bà con chỉ quen làm theo tự nhiên chứ không dùng phân bón, canh tác đúng kỹ thuật. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương đã hướng dẫn cho bà con cách tự tạo ra phân bón từ chế phẩm vi sinh ngay tại nhà. Theo đó, các hộ dân lên rẫy gom lá xanh về bằm nhuyễn trộn với phân gia súc và cho chế phẩm vi sinh Bima vào để ủ tạo ra phân bón kích thích cây trồng phát triển.
Từ chỗ canh tác tự nhiên, người dân đã dùng phân vi sinh để bón cho cây lúa tốt hơn.Ảnh: D.T |
Nhận thấy lợi ích từ phân bón, 40 hộ dân ở thôn 2 đăng ký sản xuất phân bón vi sinh tại chỗ. Những hộ tham gia được cấp chế phẩm sinh học, hướng dẫn kỹ thuật ủ phân xanh, hỗ trợ giống, thuốc bảo vệ thực vật và thâm canh cây lúa nước theo đúng quy trình sản xuất. Thống kê cho thấy năng suất vụ lúa vừa rồi tăng lên từ 7 - 8 tạ/ha so với canh tác truyền thống làm bà con nơi đây rất vui mừng. “Chúng tôi được cán bộ hướng dẫn cho cách làm phân bón, chỉ một tháng sau là dùng được. Vụ sau chúng tôi sẽ tiếp tục làm nhiều loại phân này bón cho lúa và cả cây trồng để được mùa hơn” - bà Hồ Thị Phè (thôn 2, xã Phước Năng) phấn khởi. Ông Phạm Văn Phước - Chủ tịch UBND xã Phước Năng cho biết, bao đời nay người dân chỉ trồng lúa “chay” và phó mặt cho trời nên không hiệu quả. Nay họ đã tự tạo phân một cách dễ dàng, sẵn có tại chỗ mang lại hiệu quả cao. Bà con nơi đây sẽ học làm theo, góp phần thay đổi cách trồng lúa truyền thống.
Ông Nguyễn Phiếm – Trưởng phòng NN&PTNT huyện chia sẻ. “Diện tích trồng lúa ở huyện Phước Sơn rất ít, đời sống bà con còn nghèo, do vậy làm sao để giảm thấp nhất chi phí sản xuất nhưng cho năng suất cao là yêu cầu bắt buộc. Trước mắt chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ và nhân rộng những mô hình cho hiệu quả, nhất là tăng đầu tư cho cây lúa để đảm bảo lương thực cho người dân vùng cao”.
DUY THÁI