Phát triển vùng trồng chuyên canh
Đầu tư vùng chuyên canh các loại cây chủ lực đã được người dân, doanh nghiệp và chính quyền đồng hành thực hiện nhằm xây dựng vùng nguyên liệu cho sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.
Vùng chuyên canh măng cụt
Tại huyện Tiên Phước, Nghị quyết số 03 ngày 12/4/2021 của Huyện ủy về đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái gắn với xây dựng bản sắc văn hóa thuần Việt, trên cơ sở triển khai Nghị quyết 35/2021 của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và một số hoạt động có liên quan đến kinh tế vườn, kinh tế trang trại đã được nhân dân hưởng ứng rất mạnh.
Riêng cây măng cụt, tổng diện tích trên toàn huyện đến nay đạt hơn 538,4ha, trong đó có 63,3ha thời kỳ kinh doanh, cho quả. Hiện nay trái măng cụt Tiên Phước đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Theo ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, ngoài giá trị kinh tế, cây măng cụt còn mang lại giá trị về môi trường, tạo nét đặc trưng gắn với phát triển du lịch sinh thái. Đặc biệt, qua nhiều đợt thiên tai gần đây, cho thấy măng cụt là cây có sức chống chịu gió bão rất tốt.
Huyện Tiên Phước đang xúc tiến lập hồ sơ đăng ký mã vùng trồng cho một số cây chủ lực như cau, dó, tiêu, măng cụt nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho các sản phẩm tham gia thị trường xuất khẩu.
Tiên Phước đã ban hành Đề án phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại giai đoạn 2022 - 2025 với tổng kinh phí dự kiến 854 tỷ đồng, trong đó nguồn lực nhân dân đầu tư hơn 500 tỷ đồng, ngân sách nhà nước 354 tỷ đồng; tập trung đẩy mạnh phát triển cây chủ lực, mở rộng diện tích cây măng cụt đến năm 2025 đạt 1.000ha.
“Huyện sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp nghiên cứu, phối hợp với nông dân và nhà khoa học, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ, Globalgap.
Đồng thời xúc tiến xây dựng mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm; ứng dụng công nghệ điện tử truy xuất nguồn gốc, kết nối thị trường, chế biến tiêu thụ nhằm tăng giá trị sản phẩm măng cụt, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là hướng tới thị trường xuất khẩu” - ông Nguyễn Hùng Anh cho biết.
Trồng sâm dưới tán rừng
Tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Quảng Nam cũng ban hành nhiều chủ trương, chính sách thực hiện bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh với mục tiêu xây dựng và phát triển sâm Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia.
Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Những năm qua, người dân trên địa bàn đã tập trung phát triển sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng để thoát nghèo. Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, nhóm hộ đã tham gia trồng sâm Ngọc Linh với gần 810ha (khoảng hơn 3 triệu cây).
Các nhà khoa học đã tập trung đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm. Người dân đã ý thức được việc trồng sâm đi đôi với bảo vệ và phát triển rừng, và đó cũng là sinh kế của họ”.
Sâm Ngọc Linh và dược liệu miền núi được xác định là sản phẩm chủ lực, là “đầu tàu” dẫn dắt các sản vật Nam Trà My thâm nhập các thị trường, tạo nên chuỗi gia tăng giá trị kinh tế nông, lâm nghiệp. Với sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, Nam Trà My xác định cần có sự phối hợp từ các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm chế biến sản phẩm xuất khẩu để có thể đưa sản phẩm thâm nhập thị trường nước ngoài.
Phát triển rừng quế trong dân
Quế Trà My từng được vinh danh “Cao Sơn Ngọc Quế”, là loại quế được thế giới ưa chuộng, có giá trị cao so với các loại quế khác. Từ lâu cây quế Trà My đã gắn liền với đời sống các dân tộc của hai huyện Nam Trà My, Bắc Trà My.
Ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My khẳng định, quế Trà My đã vượt qua được nguy cơ lai tạp từ các nguồn giống khác, bảo tồn được nguồn gen, duy trì chất lượng và giá trị giống quế đặc chủng Quảng Nam.
Ông Vũ nói: “Huyện chỉ đạo triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình, chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với hộ gia đình, HTX, tổ hợp tác trồng quế. Nhờ đó, vườn ươm quế giống của các doanh nghiệp, HTX kết hợp với các vườn ươm giống cây lâm nghiệp và vườn ươm của hàng chục hộ gia đình trên địa bàn đã tạo thành một hệ thống vườn ươm tại chỗ, hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn. Điều này từng bước khắc phục được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ và hướng đến việc cấp mã số vùng trồng để tham gia thị trường xuất khẩu”.
Để bảo tồn và phát triển cây quế Trà My, Sở KH&CN đã thực hiện dự án “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Trà My cho sản phẩm quế của tỉnh Quảng Nam” và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quế Trà My năm 2011 và sản phẩm vỏ quế năm 2015 với logo riêng.
Từ đó giúp nhận biết được nguồn gốc, xuất xứ, giá trị sản phẩm. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 40 ngày 7/12/2017 về cơ chế hỗ trợ bảo tồn và phát triển cây quế Trà My trên địa bàn Quảng Nam, giai đoạn 2018 - 2025. HĐND huyện Bắc Trà My cũng ban hành Nghị quyết số 20 ngày 20/7/2021 về bảo tồn và phát triển cây quế Trà My, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tính đến năm 2022, trên địa bàn huyện có khoảng 1.500ha quế, phấn đấu đến năm 2025 diện tích quế trồng mới trên địa bàn đạt 2.500ha, năm 2030 duy trì và trồng mới được 7.000ha quế tại các vườn quế trong nhân dân.