Ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông thôn, miền núi: Cần tháo gỡ rào cản, vướng mắc
Việc đẩy mạnh ứng dụng thành quả nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống, chú trọng nhân rộng các mô hình chuyển giao, ứng dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn và miền núi cũng như tháo gỡ các khó khăn, rào cản là nhiệm vụ cấp bách của ngành khoa học - công nghệ hiện nay.
Từng bước đi vào đời sống
Sở Khoa học - công nghệ (KH-CN) cho biết, từ năm 2018 đến nay, Quảng Nam có 40 nhiệm vụ KH-CN cấp tỉnh được triển khai thực hiện, trong đó chú trọng các nghiên cứu có địa chỉ áp dụng cụ thể phục vụ nông nghiệp, nông thôn và miền núi Quảng Nam. Nhiều kết quả nghiên cứu mang lại hiệu quả xã hội và kinh tế cao, gắn liền với đời sống, phục vụ dân sinh, cải thiện môi trường…
Có thể kể đến đề tài: “Một số giải pháp dự báo, cảnh báo sớm và phòng chống sạt lở đất phục vụ bố trí dân cư ở 3 huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn tỉnh Quảng Nam”; “Nghiên cứu lắp đặt trạm đo mưa, mực nước hỗ trợ dự báo vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn mùa lũ”; “Nghiên cứu hiệu quả sử dụng chế phẩm nấm Trichoderma phân lập tại vùng trồng sâm Ngọc Linh và vi sinh vật chức năng FBP đến sinh trưởng, phát triển và phòng trừ bệnh hại sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam”...
Nhiều nhiệm vụ KH-CN cấp huyện được triển khai hàng năm. Một số địa phương đã và đang triển khai các đề tài phục vụ trực tiếp cho Chương trình OCOP, tập trung xây dựng và phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương như: rượu Bưởi Đại Bình, huyện Nông Sơn; gà thảo mộc, cam giấy Tiên Hà của huyện Tiên Phước; heo cỏ của huyện Hiệp Đức...
Sở KH-CN đã tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ KH-CN thực hiện 13 nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia, cấp bộ và dự án thuộc “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số”; 3 nhiệm vụ thuộc Chương trình hợp tác với Viện Hàn Lâm KH-CN Việt Nam.
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 02 quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động KH-CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025 và các nghị quyết sửa đổi, bổ sung, Quảng Nam có 10 dự án KH-CN đã và đang triển khai thực hiện.
Nhiều dự án có hiệu quả rõ rệt, như “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển bò thịt F2 từ phương pháp lai giữa bò đực BBB và bò cái lai Zêbu trên địa bàn huyện Hiệp Đức”, “Ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời và hệ thống náo đảo tự động nâng cao hiệu quả cho sản xuất nước mắm truyền thống Tam Thanh”...
Ông Nguyễn Phi Thạnh - Giám đốc Sở KH-CN cho hay: “Các tiến bộ KH-CN từng bước được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất, phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhiều kết quả từ nghiên cứu, chuyển giao đã được ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn.
Các dự án đã từng bước tạo điều kiện cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận và áp dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất, tạo sinh kế cho người dân, từng bước xây dựng và phát triển sản phẩm đặc trưng vùng miền. Đồng thời tạo động lực quan trọng để chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, phục vụ thiết thực, hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”...
Tháo gỡ khó khăn, rào cản
Bên cạnh những thành quả đạt được, ông Nguyễn Phi Thạnh nhìn nhận, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc và rào cản cần tháo gỡ. Một số cơ chế, chính sách hướng dẫn tổ chức thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển KH-CN nói chung và ứng dụng, chuyển giao đến nay không còn phù hợp nhưng chậm được điều chỉnh, bổ sung, thay thế.
Vai trò của KH-CN chưa thực sự là động lực then chốt của sự phát triển. Việc nhân rộng, đưa kết quả nghiên cứu ứng dụng vào đời sống và sản xuất chưa được kịp thời. Sự gắn kết giữa công tác nghiên cứu với công tác thực nghiệm, nhân rộng mô hình còn chưa chặt chẽ.
Việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong chế biến, bảo quản còn hạn chế; nghiên cứu phát triển giống cây trồng, con vật nuôi chủ lực chưa có sự đột phá lớn để nâng cao giá trị sản phẩm theo hướng hàng hóa, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế…
Khó khăn nữa là điều kiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Các nhiệm vụ KH-CN chưa mang tính toàn diện, chưa tập trung xây dựng theo chuỗi giá trị từ nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ...
Để KH-CN thực sự là động lực của sự phát triển, theo ông Thạnh, tăng cường hơn nữa công tác thông tin, phổ biến kiến thức KH-CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về vị trí, vai trò KH-CN nhằm đưa việc ứng dụng các thành tựu KH-CN trở thành nhu cầu phổ biến trong sản xuất và đời sống.
“Đặc biệt, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KH-CN vào các lĩnh vực có lợi thế của địa phương như giống cây trồng, con vật nuôi, kỹ thuật canh tác, công nghệ chế biến, bảo quản. Tập trung ứng dụng KH-CN để phát triển các sản phẩm OCOP; có chính sách kích cầu, ưu tiên phát triển sản phẩm mới cho các xã nông thôn mới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Huy động hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho hoạt động KH-CN trên cơ sở gắn kết chặt chẽ giữa 4 nhà: nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Quảng Nam” - ông Thạnh nói.