Sớm hoàn chỉnh dự thảo các cơ chế hỗ trợ liên quan phát triển nông nghiệp

NHÃ PHƯƠNG 15/09/2023 14:34

(QNO) - Sáng nay 15/9, các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh và Nguyễn Công Thanh cùng lãnh đạo các ban HĐND tỉnh, đại diện sở ban ngành liên quan có cuộc làm việc với Sở NN&PTNT về một số nội dung dự kiến trình Kỳ họp thứ 16 (chuyên đề) HĐND tỉnh sắp tới.

Quang cảnh cuộc làm việc sáng nay 15/9. Ảnh: N.P
Quang cảnh cuộc làm việc sáng nay 15/9. Ảnh: N.P

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT lần lượt trình bày các dự thảo quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ khi dừng hoạt động chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn Quảng Nam; quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025; quy định nội dung và mức hỗ trợ cụ thể một số nhiệm vụ chi đặc thù chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; đề xuất điều chỉnh Nghị quyết số 24 (ngày 14/10/2022) của HĐND tỉnh quy định nội dung, mức hỗ trợ và trình tự, thủ tục, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, đơn vị đặt hàng thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025.

Theo dự thảo quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ khi dừng hoạt động chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi, nội dung hỗ trợ gồm: hỗ trợ tháo dỡ chuồng trại, hỗ trợ ổn định đời sống và chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng để chuyển sang hoạt động ngành nghề khác hoặc chăn nuôi tại địa điểm khác.

Dự kiến, đến cuối năm 2026 có 100% cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép chăn nuôi đảm bảo điều kiện được nhận cơ chế hỗ trợ (hoàn thành việc hỗ trợ).

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh trình bày dự thảo quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện. Ảnh: N.P
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh trình bày dự thảo quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện. Ảnh: N.P

Theo dự thảo quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện, nội dung hỗ trợ gồm: hỗ trợ đơn giá bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng đối với diện tích rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện chưa thực hiện theo các chương trình, dự án và diện tích rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện đang thực hiện theo các chương trình, dự án của trung ương hiện nay có đơn giá thấp hơn 600 nghìn đồng/ha/năm; hỗ trợ kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu, quyết toán; hỗ trợ kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng.

Dự tính, tổng diện tích rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện đề nghị hỗ trợ đơn giá để bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng gần 133 nghìn héc ta.

Còn theo dự thảo quy định nội dung và mức hỗ trợ cụ thể một số nhiệm vụ chi đặc thù chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, có tổng cộng 12 nội dung hỗ trợ liên quan. Ngoài phần kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương trong chương trình xây dựng nông thôn mới, ngân sách tỉnh bố trí tối thiểu 50 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp cho giai đoạn 2023 - 2025 để thực hiện các nội dung hỗ trợ…

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: N.P
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: N.P

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh đánh giá cao nỗ lực của Sở NN&PTNT trong việc tập trung xây dựng các dự thảo cơ chế hỗ trợ nêu trên. Đồng thời đề nghị sở tiếp thu ý kiến đóng góp tại cuộc họp, sớm bổ sung và hoàn chỉnh các dự thảo quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ khi dừng hoạt động chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi; quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên ngoài lưu vực thủy điện; điều chỉnh Nghị quyết số 24 của HĐND tỉnh để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét tại Kỳ họp thứ 16 sắp tới.

Riêng dự thảo quy định nội dung và mức hỗ trợ cụ thể một số nhiệm vụ chi đặc thù chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tạm gác lại, trình tại kỳ họp HĐND tỉnh vào tháng 11/2023.

NHÃ PHƯƠNG