[eMagazine] - Cần tránh sự đứt gãy chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp

NGUYỄN SỰ 10/09/2023 07:42

Trong 5 năm qua, Quảng Nam nỗ lực triển khai chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98 (ngày 5/7/2018) của Chính phủ và Nghị quyết số 17 (ngày 17/12/2019) của HĐND tỉnh. Cơ chế hỗ trợ này đã tạo động lực lớn thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, ổn định đầu ra các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phát sinh hàng loạt khó khăn, vướng mắc cần sớm giải quyết.

 
 

Những năm qua, nhờ các ngành, các cấp tập trung phối hợp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là quan tâm hỗ trợ nguồn vốn nên nhiều chủ thể liên kết có điều kiện đầu tư xây dựng và phát triển nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả cao. 

Ông Trần Văn Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, những năm qua huyện đã phê duyệt và tổ chức thực hiện 4 dự án liên kết sản xuất nông nghiệp (SXNN) theo chuỗi giá trị. Cụ thể, năm 2021 triển khai dự án trồng, phát triển cây dổi xanh với kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 800 triệu đồng, hợp tác xã (HTX) và hộ dân tham gia đối ứng 905 triệu đồng.

Nhiều mô hình liên kết sản xuất bắp lai cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: N.S
Nhiều mô hình liên kết sản xuất bắp lai cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: N.S

Huyện cũng thực hiện dự án hỗ trợ vốn đầu tư máy móc để nâng cao cơ giới hóa trong sản xuất và sơ chế sản phẩm nông nghiệp với kinh phí 585 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng, HTX và hộ dân đối ứng 385 triệu đồng.

Trong 2 năm 2022 - 2023, Nam Trà My tiếp tục triển khai 2 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sâm Ngọc Linh với tổng kinh phí gần 3,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 1,8 tỷ đồng, HTX và hộ dân đối ứng gần 2 tỷ đồng.

Còn tại Đại Lộc, tính đến cuối năm 2022, huyện đã hỗ trợ xấp xỉ 10 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cho 24 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với quy mô gần 1.545ha. Trong đó, vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 17 là 1,92 tỷ đồng và vốn hỗ trợ theo Nghị định 35 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ đất trồng lúa gần 8 tỷ đồng.

Năm 2023, Đại Lộc được phân bổ 820 triệu đồng từ nguồn vốn theo Nghị quyết 17 và huyện đã hướng dẫn các chủ trì liên kết xây dựng, triển khai 2 dự án chăn nuôi bò 3B, 1 dự án trồng sen.

Tính đến giữa năm 2023, Quảng Nam đã có 75 dự án, kế hoạch liên kết SXNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt, gồm: 66 dự án thuộc lĩnh vực trồng trọt, 6 dự án chăn nuôi, 3 dự án cây lâm nghiệp. Năm 2021 có 46 dự án được UBND cấp huyện phê duyệt (42 dự án do HTX chủ trì, 4 dự án do doanh nghiệp chủ trì) với 9.904 hộ nông dân tham gia. Tổng vốn đầu tư gần 145 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ trực tiếp theo Nghị quyết 17 hơn 31,5 tỷ đồng.

Năm 2022, có 27 dự án được phê duyệt, gồm: 1 dự án cấp tỉnh được UBND tỉnh ủy quyền Sở NN&PTNT phê duyệt với kinh phí thực hiện hơn 13 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ hơn 3,3 tỷ đồng; UBND cấp huyện phê duyệt 26 dự án với kinh phí thực hiện gần 157,7 tỷ đồng. Các dự án trên do 25 HTX và 2 doanh nghiệp làm chủ trì liên kết, có 6.519 hộ nông dân tham gia.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, có 2 dự án được UBND cấp huyện phê duyệt với kinh phí thực hiện gần 9,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng. Hai dự án này do 2 HTX làm chủ trì liên kết và có 639 hộ nông dân tham gia…

Ông Hoàng Trung Hùng – Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Thắng (Đại Lộc) cho hay, những năm qua đơn vị chủ động xây dựng 5 dự án liên kết SXNN theo chuỗi giá trị, trong đó có 4 dự án sản xuất hạt giống lúa thuần và 1 dự án sản xuất hạt lai F1 giống bắp nếp TBM18.

Các dự án trên thu hút gần 700 hộ dân tham gia. Để tiếp sức cho HTX và nông dân, bình quân mỗi dự án UBND huyện Đại Lộc hỗ trợ hơn 100 triệu đồng từ nguồn kinh phí tỉnh cấp theo Nghị quyết 17.

“Mỗi vụ, HTX liên kết với doanh nghiệp sản xuất 130ha hạt giống lúa thuần các loại và 10ha hạt lai F1 giống bắp nếp TBM18. Bình quân 1ha hạt giống lúa thuần cho giá trị 65 – 70 triệu đồng, tăng 30% so với làm lúa thương phẩm; còn 1ha hạt lai F1 giống bắp nếp TBM18 đạt giá trị 210 - 220 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với trước đây nhà nông trồng bắp lai, đậu phụng, đậu cô ve, đậu xanh...” - ông Hùng nói.

Liên kết với doanh nghiệp sản xuất giống lúa hàng hóa, nông dân yên tâm về đầu ra sản phẩm và đặc biệt là giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác tăng mạnh. Ảnh: N.S
Liên kết với doanh nghiệp sản xuất giống lúa hàng hóa, nông dân yên tâm về đầu ra sản phẩm và đặc biệt là giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác tăng mạnh. Ảnh: N.S

Tại Hiệp Đức, dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ nấm linh chi do HTX sản xuất – chế biến – tiêu thụ nấm Nhì Tây ở xã Bình Lâm chủ trì cũng mang lại hiệu quả cao.

Ông Lê Văn Bảy – Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, HTX trên liên kết với 5 hộ dân trên địa bàn huyện sản xuất nấm linh chi theo phương thức HTX bao tiêu đầu ra sản phẩm.

Theo ông Bảy, mô hình sản xuất với quy mô bình quân mỗi vụ (6 tháng) là 50.000 phôi nấm linh chi. Phôi nấm được HTX trực tiếp mua nguyên liệu về tự sản xuất để phân phối cho người dân chăm sóc, nuôi trồng và khi thu hoạch thì các hộ dân cung cấp sản phẩm lại cho HTX tiêu thụ. Việc liên kết sản xuất này giúp mỗi hộ dân có mức thu nhập ít nhất 6 triệu đồng/tháng.

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều mô hình liên kết chăn nuôi gia súc quy mô lớn giữa người dân với doanh nghiệp. Ảnh: N.S
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều mô hình liên kết chăn nuôi gia súc quy mô lớn giữa người dân với doanh nghiệp. Ảnh: N.S

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu và lãnh đạo một số địa phương, việc liên kết SXNN theo chuỗi giá trị đã giúp hình thành các vùng chuyên canh cây trồng tập trung quy mô lớn để phát triển những sản phẩm chủ lực. Thông qua liên kết, nông dân tiếp thu được tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất; hình thành tâm lý sản xuất hàng hóa tập trung, tổ chức sản xuất theo hướng cộng đồng để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, giảm xu hướng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, mang tính tự phát trước đây.

Việc liên kết SXNN giúp nông dân giảm áp lực đầu tư ở đầu vụ vì đã được các doanh nghiệp và HTX ứng trước vật tư thiết yếu phục vụ sản xuất; sản phẩm làm ra được thu mua với giá trị quy đổi cao hơn giá thị trường, giúp nhà nông tăng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích và tăng thu nhập.

Ngoài ra, việc thu mua sản phẩm với giá ổn định còn giúp cho nông sản không nằm trong chuỗi liên kết vẫn được hưởng lợi do tư thương phải cạnh tranh mua nên không còn tình trạng ép giá khi vào chính vụ thu hoạch…

[VIDEO] - Hiệu quả từ mô hình liên kết sản xuất ớt xuất khẩu:

 
 

Mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa nhiều, quy mô nhỏ, giá trị không lớn, thiếu tính bền vững… Nguyên nhân là cơ chế hỗ trợ còn nhiều vướng mắc.

Vướng mắc từ cơ chế

Năm năm qua, việc triển khai Nghị định số 98 của Chính phủ gặp không ít vướng mắc. Nhiều ý kiến cho rằng, các bộ ngành ở trung ương chưa hướng dẫn rõ các căn cứ pháp lý để thực hiện nội dung hỗ trợ chi phí tư vấn, làm cơ sở xây dựng các định mức trong việc lập dự toán dự án liên kết. Do vậy, một số địa phương chưa mạnh dạn làm.

Lĩnh vực nông nghiệp thường bị thiên tai gây hại nhưng Nghị định số 98 không quy định cơ chế hay mức hỗ trợ xử lý rủi ro bất khả kháng xảy ra trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất. Ảnh: PV
Lĩnh vực nông nghiệp thường bị thiên tai gây hại nhưng Nghị định số 98 không quy định cơ chế hay mức hỗ trợ xử lý rủi ro bất khả kháng xảy ra trong quá trình thực hiện liên kết sản xuất. Ảnh: PV

Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, cùng một đối tượng, một số nội dung hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ chênh lệch khá lớn, dẫn đến thực hiện chính sách gặp nhiều khó khăn.

Tại Điều 8 của Nghị định số 98 quy định “Dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng gồm nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”, nên nhiều doanh nghiệp, HTX chưa mặn mà hoặc không có khả năng đối ứng.

Trong khi đó, tại Quyết định số 1804 (ngày 13/11/2020) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025 quy định mức hỗ trợ nội dung này là 100%.

“Riêng đối với Quảng Nam, Nghị quyết số 25 (ngày 22/7/2021) của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 – 2025 thì nội dung hỗ trợ hạ tầng cho HTX nông nghiệp từ 70 - 90% tùy theo khu vực” – ông Tấn nói.

Ông Tấn cho biết thêm, một số hạng mục hạ tầng thiết yếu phục vụ liên kết sản xuất nhưng không thuộc đối tượng được hỗ trợ như sân phơi, hệ thống tưới tiêu tiên tiến, hệ thống điện sản xuất, bờ bao cách ly trong sản xuất hữu cơ, nhà màng, nhà lưới… 

 

Lãnh đạo nhiều địa phương phản ánh, thời gian qua cấp trên chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thủ tục thanh quyết toán các nguồn kinh phí nên việc triển khai không thống nhất và gặp nhiều khó khăn…

Nhiều tồn tại

Hiện nay các quy định, thủ tục về thuê đất, về môi trường còn lắm phức tạp là nguyên nhân hạn chế doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất. Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển, do tỷ lệ hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh khá thấp (từ 30 - 40%) nên các chủ trì dự án (chủ yếu là HTX nông nghiệp) không đề xuất hỗ trợ từ cơ chế này mà lựa chọn các chính sách hỗ trợ khác có tỷ lệ hỗ trợ cao hơn.

Các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đa số được thực hiện theo mùa vụ, thường là đầu vụ đông xuân bắt đầu từ tháng 11 hằng năm nên việc phê duyệt dự án và giải ngân chậm so với yêu cầu.

Mặc dù có lợi thế rất lớn nhưng huyện Nam Trà My thiếu nguồn lực hỗ trợ sản xuất các loại dược liệu theo liên kết chuỗi giá trị sản phẩm. Ảnh: PV
Mặc dù có lợi thế rất lớn nhưng huyện Nam Trà My thiếu nguồn lực hỗ trợ sản xuất các loại dược liệu theo liên kết chuỗi giá trị sản phẩm. Ảnh: PV

Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc nhìn nhận, quy mô sản xuất theo mô hình liên kết vẫn còn nhỏ, tỷ lệ nông sản sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng bền vững còn thấp. Mức độ áp dụng công nghệ trong khâu bảo quản sản phẩm chưa cao; công nghệ chế biến dù đã được áp dụng nhưng nhìn chung thiếu chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến phụ phẩm… do đó sản phẩm nông nghiệp chưa phong phú.

Theo ông Mẫn, mặc dù nhận được nhiều sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc tổ chức liên kết sản xuất giữa HTX, nông dân với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản nhưng tỷ lệ hình thành chuỗi giá trị nông sản hoàn chỉnh từ người sản xuất với doanh nghiệp vẫn còn thấp; phần lớn liên kết trong chuỗi vẫn chưa chặt chẽ, chủ yếu thông qua trung gian.

 

Còn ông Trần Văn Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho rằng, tuy lợi thế của huyện là có được những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như sâm Ngọc Linh, quế Trà My và các loại dược liệu phong phú khác nhưng với xuất phát điểm thấp về mọi mặt từ dân trí, vốn, điều kiện cơ sở hạ tầng, tập quán canh tác… đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của các dự án về lâu dài.

Các chuỗi liên kết SXNN ở địa phương mới bước đầu hình thành nên sự liên kết chưa chặt chẽ, quá trình thực hiện còn lúng túng. Hợp đồng liên kết còn nhiều bất cập, chưa có chế tài xử lý khi vi phạm hợp đồng.

Ông Lê Ngọc Trung – Phó Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam đánh giá, quá trình thực hiện các phương thức kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm vẫn còn nhiều bất cập, lúng túng do công tác quản lý chưa chặt chẽ, rõ ràng; đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn thiếu và yếu.

Công tác hỗ trợ kết nối hình thành chuỗi liên kết gặp nhiều khó khăn, nhiều sản phẩm chế biến từ nông sản địa phương chưa bảo đảm các tiêu chuẩn về mẫu mã, bao bì nhãn mác, giấy chứng nhận và chất lượng nên chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và nhà phân phối. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở trong tỉnh và sức cạnh tranh còn yếu so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Cần tập trung hỗ trợ nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất mang lại hiệu quả cao. Ảnh: PV
Cần tập trung hỗ trợ nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất mang lại hiệu quả cao. Ảnh: PV

Đáng chú ý, hoạt động liên kết theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp với nông dân, HTX chưa thật sự phổ biến rộng rãi và giá trị liên kết còn thấp. Nhiều HTX, nông dân vẫn còn chú trọng nâng cao năng suất và sản lượng chứ chưa triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao giá trị gia tăng của nông sản; nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu.

 
 

Muốn tạo cú hích mạnh trong liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thời gian tới cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc, đồng thời đề xuất giải pháp đồng bộ và hiệu quả.

Cơ chế hỗ trợ cần dễ tiếp cận hơn

Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc kiến nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí theo Nghị quyết 17 nhiều hơn để huyện hỗ trợ các dự án liên kết trong chăn nuôi. 

 

Nhiều ý kiến cho rằng, các sở ngành liên quan cần sớm có hướng dẫn cụ thể về quy trình lập, phê duyệt dự án; thủ tục, thành phần hồ sơ trình, thẩm định, phê duyệt hồ sơ báo cáo kinh tế  - kỹ thuật của dự án liên kết; quy định, trình tự hỗ trợ và thanh quyết toán. Đơn giản các thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật của dự án liên kết để các chủ đầu tư dễ thực hiện. Cạnh đó, có hướng dẫn chi tiết về loại đất nông nghiệp được xây dựng trang trại và quy trình cấp phép xây dựng trang trại.

Lãnh đạo nhiều địa phương đề xuất sửa đổi một số nội dung tại Quyết định 291 của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết 17 của HĐND tỉnh theo hướng nâng mức hỗ trợ đầu tư hạ tầng, trang thiết bị máy móc và nói rõ mức hỗ trợ bao gồm các chi phí như đầu tư hạ tầng, lập hồ sơ thiết kế dự toán...

Đồng bộ giải pháp

Ông Lê Ngọc Trung – Phó Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam cho rằng, để việc liên kết SXNN theo chuỗi giá trị phát triển bền vững, ngành liên quan và chính quyền các cấp cần có kế hoạch cụ thể, thu hút doanh nghiệp tham gia.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường đối với từng sản phẩm; tổ chức quản lý, sử dụng có hiệu quả các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và thương hiệu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào quá trình sản xuất.

“Con người là nhân tố quan trọng trong định hướng liên kết SXNN theo chuỗi giá trị của HTX hiện nay. Vì vậy, cần tập trung củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý cho các HTX.

Mỗi địa phương cần có những doanh nghiệp đầu tàu trong chuỗi liên kết để thực hiện theo kiểu mẫu, lâu dài, mở đường cho các doanh nghiệp khác. Phát triển chuỗi giá trị nông sản phải gắn với việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm và thiết lập mã vùng trồng…” – ông Trung nói.

Cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường đối với từng sản phẩm. Ảnh: PV
Cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường đối với từng sản phẩm. Ảnh: PV

Theo ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, chính quyền các địa phương cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất. Trên cơ sở đó, tiếp tục quy hoạch những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo điều kiện cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng ruộng, cơ giới hóa, tưới tiêu khoa học nhằm thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất khi thực hiện liên kết.

HTX là cầu nối quan trọng, kết nối và đại diện cho các thành viên ký kết hợp đồng với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập mới các HTX theo Luật HTX năm 2012.

Các địa phương cần linh hoạt lồng ghép nhiều kênh vốn để hỗ trợ liên kết SXNN theo chuỗi. “Việc xây dựng các dự án liên kết, kế hoạch đề nghị hỗ trợ liên kết cần tập trung, hạn chế dàn trải, chạy theo số lượng; ưu tiên các ngành hàng có thế mạnh, tạo được khối lượng hàng hóa lớn và có tiềm năng về thị trường tiêu thụ…” – ông Tấn nói.

UBND cấp huyện cần kịp thời phân bổ, giải ngân các nguồn kinh phí đã được UBND tỉnh giao, không để xảy ra tình trạng vốn phân bổ từ đầu năm nhưng đến cuối năm mới phê duyệt, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện và thanh quyết toán hoặc không chủ động đề xuất điều chuyển vốn kịp thời dẫn đến tình trạng có nơi không giải ngân hết, trong khi có nơi thiếu kinh phí.

 
 


NGUYỄN SỰ