Phát huy vai trò "bà đỡ"
Trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ, Liên minh HTX Quảng Nam và nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vào cuộc một cách quyết liệt, trở thành “bà đỡ” của nông dân trong việc tạo dựng mối liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi.
Vai trò chủ lực
Nhiều năm nay, Đại Lộc được xem là điển hình của tỉnh trong liên kết sản xuất nông nghiệp (SXNN) theo chuỗi giá trị.
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện nhìn nhận, nhờ linh hoạt và nhạy bén trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, thời gian qua khá nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn Đại Lộc “bắt tay” với các doanh nghiệp tổ chức cho nông dân xây dựng nhiều mô hình liên kết hiệu quả.
Từ năm 2010 đến nay, Đại Lộc duy trì liên kết sản xuất hơn 1.500ha lúa giống các loại/năm, trong đó có khoảng 200ha lúa lai F1. Theo ông Mẫn, sản xuất hạt giống lúa thuần, nông dân được quy đổi 1kg thành 1,2kg lúa thương phẩm; còn đối với sản xuất lúa lai F1 thì được quy đổi 1kg thành 4 - 5kg lúa thương phẩm theo giá thị trường tại thời điểm các doanh nghiệp thu mua sản phẩm.
“Ngoài lúa giống, nông dân còn liên kết với các HTX nông nghiệp canh tác lúa thương phẩm phục vụ nguyên liệu cho sản xuất sản phẩm bánh tráng Đại Lộc đạt chuẩn OCOP 4 sao, gạo an toàn Ái Nghĩa đạt chuẩn OCOP 3 sao và cung ứng lúa gạo chất lượng cao cho các đối tác.
Trên cây màu, hằng năm huyện liên kết sản xuất khoảng 300ha đậu xanh giống và nhiều diện tích bắp giống, ớt quả tươi xuất khẩu, thuốc lá, rau quả các loại. Trong chăn nuôi, Đại Lộc cũng đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bò 3B do những nhóm hộ hoặc các HTX thực hiện” – ông Mẫn nói.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 509 HTX và 1 Liên hiệp HTX hoạt động trên các lĩnh vực, trong đó có 355 HTX nông nghiệp.
Ông Lê Ngọc Trung - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam cho rằng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm là xu thế tất yếu. Vì vậy, cần thiết phải phát triển chuỗi liên kết SXNN với vai trò chủ lực là các HTX.
Nhu cầu liên kết SXNN theo chuỗi giá trị trở nên cấp thiết đối với các HTX trong đổi mới mô hình hoạt động, giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng - con vật nuôi và tăng giá trị sản phẩm, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp các doanh nghiệp, HTX tạo ra vùng nguyên liệu lớn, mở rộng sản xuất, đưa nông sản đến với thị trường thế giới.
Ông Lê Ngọc Trung cho biết thêm, những năm qua Liên minh HTX Quảng Nam tích cực hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn các HTX xây dựng chuỗi liên kết. Đồng thời đào tạo, tập huấn kiến thức sản xuất - kinh doanh, kiến thức và kỹ năng thị trường, quy trình kỹ thuật sản xuất, tổ chức sản xuất, giám sát đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, hỗ trợ cơ sở vật chất kỹ thuật cho các HTX, qua đó nâng cao nghiệp vụ, năng lực quản lý HTX theo chuỗi liên kết giá trị và phát triển thị trường…
“Với những lợi thế sẵn có, thời gian tới Liên minh HTX Quảng Nam sẽ tiếp tục hướng dẫn các HTX đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 60% tổ chức kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các hộ thành viên…” - ông Trung nói.
Tích tụ đất đai là xu hướng tất yếu
Trong điều kiện của Quảng Nam hiện nay, muốn phát triển mạnh SXNN theo hướng hàng hóa và liên kết chuỗi giá trị thì nhất thiết phải tích tụ đất đai.
Ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào cho biết, nhiều nông dân địa phương không còn mặn mà với đồng ruộng, đất đai bị bỏ hoang. Đây là thách thức, đồng thời cũng là cơ hội mới đối với HTX trong tích tụ đất đai và liên kết sản xuất. Đến nay HTX đã mở rộng tích tụ đất đai lên 85ha, đầu tư cơ sở hạ tầng, máy móc, mở dịch vụ, kêu gọi doanh nghiệp vào liên kết SXNN.
Hiện nay, HTX Nông nghiệp Bình Đào cùng các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị với tổng diện tích 60ha lúa giống, 15ha mè và đậu phụng, 10ha nếp và lúa chất lượng cao.
Mô hình liên kết sản xuất lúa giống mỗi năm có doanh thu gần 2,8 tỷ đồng, lợi nhuận gấp 1,3 lần so với làm lúa thương phẩm. Còn mô hình liên kết sản xuất các loại cây trồng cạn trên đất lúa không chủ động nước tưới đem lại lợi nhuận hơn 1,5 lần so với trước đây.
“Đáng chú ý, từ các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đến nay HTX đã có 2 sản phẩm được UBND tỉnh chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao là nếp Hương Lân Trường Giang và dầu mè đen nguyên chất Bình Đào…” - ông Sanh nói.
Mô hình tích tụ ruộng đất và liên kết sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo chuỗi giá trị ở HTX Nông nghiệp Bình Đào là điển hình cần nhân rộng.
Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói: “Thời gian tới, chính quyền các cấp cần tích cực vận động, hướng dẫn các HTX nông nghiệp đẩy mạnh thực hiện công tác tập trung, tích tụ ruộng đất để liên kết sản xuất với các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp không thể liên kết với từng hộ nông dân có diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún”.