Cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả
Hưởng ứng phong trào cải tạo vườn tạp trồng các loại cây ăn quả có giá trị, nhiều nông dân xứ Quảng đã tiếp cận với khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình.
Trồng cây ăn quả trên đất bạc màu
Trên đất cằn cỗi của xã Tam Thái (Phú Ninh), nhiều hộ dân đã chủ động cải tạo vườn tạp, phá bỏ phần lớn cây keo, cây sắn có năng suất thấp để trồng các loại cây ăn quả có giá trị, góp phần chỉnh trang vườn tược, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Hội Nông dân xã Tam Thái phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Phú Ninh đã triển khai nhiều lớp tập huấn kỹ thuật làm vườn, nhân giống, trồng và chăm sóc cây ăn quả cho nhân dân. Phong trào cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả được phát động rộng rãi trong toàn dân, đã thu hút sự tham gia, hưởng ứng tích cực của nông dân xã nhà.
Ông Huỳnh Đức Thắng (thôn Hòa Bình, xã Tam Thái) mạnh dạn cải tạo khu vườn trồng đậu phụng, sắn rộng 1.200m2 để trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế như mít Thái, bưởi da xanh, ổi…
Ông Thắng chủ động tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả do xã tổ chức để có thêm kiến thức, kinh nghiệm. Mỗi năm, vườn cây ăn quả giúp đem lại cho gia đình anh nguồn thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng.
Còn ông Ninh Văn Quốc (thôn Phước Lộc) cũng mạnh dạn cải tạo 1.000m2 đất vườn trồng đậu cho năng suất thấp sang trồng 60 gốc bưởi da xanh. Khi cây bưởi chưa khép tán, ông Quốc chủ động trồng xen cây đậu phụng vào cây bưởi để tăng thu nhập, vừa giữ ẩm cho cây…
Ông Trương Văn Phú (thôn Hòa Bình) đã cải tạo 1.000m2 vườn tạp để trồng các loại cây ăn quả có giá trị cao như mít Thái, chanh, cốc, bưởi... Vườn chanh đã cho trái, mỗi năm đem về cho ông nguồn thu nhập hơn 15 triệu đồng.
Ông Phú tiếp tục mở rộng và cải tạo thêm 4.000m2 vườn, trồng 50 gốc mít Thái, 40 gốc xoài, 50 gốc cốc, 40 gốc chanh, 100 gốc bưởi. Ông còn đầu tư hệ thống tưới, chú trọng học hỏi kỹ thuật chăm sóc cây trồng, ghép cây, nhân giống, giảm chi phí đầu tư.
Phong trào cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả lan rộng ra các thôn Hoà Bình, Trường Mỹ, Khánh Thịnh… với đối tượng cây trồng là mít Thái, ổi, bưởi da xanh.
Ông Phạm Quang Trạng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Thái cho hay, toàn xã có hàng trăm vườn cây ăn quả cho thu nhập khá. Điều này đã khẳng định hướng đi đúng, trồng cây ăn quả là mô hình hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Nỗ lực xây dựng vườn mẫu
Tại xã Duy Tân (Duy Xuyên), 3 - 5 năm trở lại đây, chủ trương cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu được địa phương phát động mạnh mẽ, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Từ mảnh vườn nhà rộng 6 sào trước kia từng trồng mía, trồng hoa màu, gia đình bà Tán Thị Lài (thôn Thu Bồn Tây) đã cải tạo đất, lắp đặt hệ thống tưới, bố trí trồng các loại cây ăn quả như bưởi, mít, ổi, cam kết hợp trồng mai cảnh và trồng thêm bắp, đậu…
Bà Lài cho biết, bà dành 3 sào đất vườn để trồng hàng trăm gốc mai đã được 2 - 3 năm tuổi. Vườn mai đã được lắp đặt hệ thống tưới tự động. Riêng các công đoạn cắt tỉa, phòng trừ dịch hại, chăm sóc cây, bà thuê người có kinh nghiệm xử lý. Ba sào đất vườn còn lại, bà bố trí trồng cây bưởi, cây ổi và cây bắp nếp ngọt, bắp lai để bán và có nguồn phụ phẩm làm thức ăn cho gia súc.
Ngoài 6 sào đất vườn liên cư, bà Lài cùng chồng còn thuê 2 mẫu đất vườn lân cận để trồng chuối kết hợp xây dựng chuồng trại chăn nuôi 30 con dê, lợn nái và nuôi gà lấy thịt, gà đẻ trứng để tăng thu nhập. Mỗi năm, mảnh vườn và gia trại đem lại cho gia đình bà cả trăm triệu đồng.
“Để có được khu vườn mẫu đẹp, xanh mướt, bản thân tôi và chồng đã nỗ lực rất nhiều trong việc học hỏi kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Chúng tôi còn bón phân vi sinh cho cây, bỏ chi phí lắp đặt hệ thống tưới nước tự động nên bất kể thời điểm khô hạn, vườn chúng tôi vẫn xanh. Chúng tôi cũng quy hoạch các loại cây, con ở các khu vực riêng để dễ dàng trong khâu chăm sóc, phòng bệnh” - bà Lài chia sẻ.
Ông Hồ Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND xã Duy Tân cho biết, địa phương đã vận động nhân dân xây dựng nhiều khu vườn mẫu đạt hiệu quả kinh tế cao. Địa phương tạo điều kiện tối đa cho người dân phát huy vai trò chủ thể của mình, mỗi vườn mẫu được địa phương hỗ trợ 5 - 7 triệu đồng. Hiệu quả của các khu vườn mẫu đã giúp cuộc sống nhân dân ngày càng đi lên, nguồn thu nhập cao hơn trước cũng như tạo được diện mạo nông thôn khởi sắc...