Chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp: Phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc

NHÃ PHƯƠNG 17/08/2023 07:46

Đó là nhận định của lãnh đạo tỉnh, ngành liên quan và chính quyền các địa phương tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98 (ngày 5/7/2018) của Chính phủ và Nghị quyết số 17 (ngày 17/12/2019) của HĐND tỉnh, do UBND tỉnh tổ chức hôm qua 15/8.

Những năm qua, nhiều HTX nông nghiệp đứng ra làm trung gian để các doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất giống lúa hàng hóa và lúa thương phẩm chất lương cao. Ảnh: N.P
Những năm qua, nhiều HTX nông nghiệp đứng ra làm trung gian để các doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất giống lúa hàng hóa và lúa thương phẩm chất lương cao. Ảnh: N.P

Hiệu quả từ cơ chế hỗ trợ

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam bên lề hội nghị, ông Ngô Văn Phi - Giám đốc HTX nông nghiệp Đại Minh (Đại Lộc) cho hay, sau khi có chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thì đơn vị được UBND huyện - trực tiếp là Phòng NN&PTNT hướng dẫn, xây dựng dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Theo ông Phi, HTX tham gia đầy đủ các buổi tập huấn triển khai Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh do Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam và Phòng NN&PTNT Đại Lộc tổ chức. Từ đó, HTX đã nắm bắt được cách lập dự án liên kết và vận dụng những cơ chế, chính sách vào thực tế của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đánh giá cao những nỗ lực của các ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thời gian qua. Đồng thời đề nghị ngành liên quan và chính quyền các địa phương thời gian tới cần phối hợp rà soát, đánh giá cụ thể việc thực hiện cơ chế hỗ trợ trên. Trên cơ sở đó, xác định những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai và sớm tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành ở Trung ương nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung để chính sách hỗ trợ phù hợp với thực tế…

Từ năm 2020 đến nay, HTX Nông nghiệp Đại Minh đã xây dựng và được UBND huyện Đại Lộc phê duyệt 3 dự án liên kết với doanh nghiệp sản xuất hạt giống lúa thuần tại địa phương.

Có 1.230 hộ tham gia 3 dự án sản xuất trên diện tích 183ha theo hướng bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm. Tổng vốn đầu tư các dự án gần 7,7 tỷ đồng, trong đó đối ứng của người dân và HTX hơn 6,1 tỷ đồng, nhà nước hỗ trợ gần 1,6 tỷ đồng.

“Trong 3 năm qua, HTX và doanh nghiệp đã thu mua của nông dân Đại Minh 2.350 tấn hạt giống lúa thuần các loại, giá cả cao hơn giá lúa thương phẩm từ 1,3 - 1,7 lần. Qua đó, HTX đã làm lợi cho thành viên hơn 4 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện 3 dự án liên kết sản xuất, HTX đã tạo điều kiện cho các hộ nông dân ứng trước 12,5 tấn lúa giống và 265 tấn phân bón các loại với số tiền trả chậm xấp xỉ 4,3 tỷ đồng” - ông Phi chia sẻ.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, tính đến tháng 6/2023 toàn tỉnh đã có 75 dự án, kế hoạch liên kết sản xuất được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, có 66 dự án liên kết trên lĩnh vực trồng trọt, 3 dự án cây lâm nghiệp và 6 dự án chăn nuôi. Đại Lộc là địa phương có số lượng nhiều nhất với 11 dự án, tiếp sau là Duy Xuyên và Thăng Bình mỗi huyện 7 dự án, Quế Sơn và Núi Thành mỗi huyện 6 dự án…

Triển khai dự án, kế hoạch được phê duyệt nêu trên thu hút 78 HTX và 35 doanh nghiệp vào chuỗi liên kết, trong đó có 69 HTX và 6 doanh nghiệp chủ trì dự án. Có 17.062 hộ nông dân tham gia thực hiện các dự án, kế hoạch liên kết sản xuất nông nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh.

Tổng kinh phí thực hiện 75 dự án, kế hoạch là hơn 311 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ theo Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh gần 49 tỷ đồng và lồng ghép vốn hỗ trợ từ Nghị định số 135 (ngày 13/4/2015) của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa hơn 3,5 tỷ đồng.

Liên kết sản xuất giống lúa với doanh nghiệp, nông dân yên tâm về đầu ra vì đã được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ảnh: N.P
Liên kết sản xuất giống lúa với doanh nghiệp, nông dân yên tâm về đầu ra vì đã được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Ảnh: N.P

Theo nhiều ý kiến đánh giá tại hội nghị, việc thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98 của Chính phủ và Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh đã tạo được bước chuyển biến tích cực.

Theo đó, thay đổi nhận thức của nông dân từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Tiến bộ khoa học kỹ thuật được ứng dụng đồng bộ trên diện tích lớn, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp.

Việc thực hiện chính sách đã góp phần xây dựng, củng cố và phát triển các HTX nông nghiệp; khuyến khích, thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là các ngành hàng, sản phẩm chủ lực; xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, phát triển chế biến sâu hàng hóa nông sản.

Đặc biệt, việc liên kết sản xuất giúp nâng cao thu nhập cho các bên tham gia, đáng chú ý là người nông dân yên tâm sản xuất vì được bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng liên kết…

Nhiều vướng mắc

Bên cạnh thành quả đạt được, việc triển khai cơ chế hỗ trợ trong 5 năm qua đã phát sinh không ít khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp, HTX và nông dân.

Nhiều đại biểu cho rằng, sau khi Nghị định 98 của Chính phủ và Nghị quyết 17 của HĐND tỉnh được ban hành, các doanh nghiệp và HTX đã tiếp cận với chính sách và được các cơ quan chức năng tập huấn, hướng dẫn cụ thể các nội dung liên quan.

Tuy nhiên, năng lực xây dựng dự án liên kết và hồ sơ còn nhiều khó khăn. Quy trình, thủ tục, thời gian xây dựng để trình cơ quan chức năng thẩm định phê duyệt liên kết còn chậm, tốn nhiều thời gian.

Thời gian qua, mối liên kết sản xuất trong thực hiện cung ứng dịch vụ đầu vào, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm giữa HTX với nông dân hay giữa HTX với các doanh nghiệp chưa bền chặt, giá cả thị trường luôn biến động, hợp đồng theo từng năm.

Trong khi đó, dự án liên kết yêu cầu phải đảm bảo điều kiện thực hiện ổn định với sản phẩm hằng năm là 3 năm, sản phẩm lâu năm là 5 năm nên các doanh nghiệp cũng như HTX khó khăn trong việc ký hợp đồng lâu dài với nông dân.

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp, HTX chủ yếu hoạt động cung cấp dịch vụ đầu vào chứ chưa có nhiều đơn vị thực hiện kết nối với các thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh, nhất là đối với các loại cây trồng cạn chủ lực…

Ở khía cạnh khác, ông Ngô Tấn nhìn nhận, kinh phí đối ứng khi triển khai liên kết lớn, sản xuất nông nghiệp gặp rủi ro về thời tiết, nhất là các rủi ro trong sản xuất giống lúa, đặc biệt là lúa lai nhưng chưa có cơ chế hỗ trợ.

Công tác giải ngân và thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ cho các dự án còn lúng túng do chưa có hướng dẫn cụ thể. Việc lập và triển khai các dự án, kế hoạch phải tuân thủ theo các quy định đầu tư, đấu thầu nên một số chủ thể gặp khó khăn, ngán ngại.

Đáng chú ý, các chủ đầu tư là HTX có quy mô nhỏ và mới thành lập nên không có khả năng tổ chức lập và trình các cơ quan liên quan thẩm định, phê duyệt, thực hiện đầu tư cũng như thanh quyết toán. Nếu thuê đơn vị lập hồ sơ thiết kế dự toán, hợp đồng thi công xây lắp công trình thì phát sinh thêm nhiều chi phí về tư vấn, thuế... Trong khi đó, mức hỗ trợ là 30% nên chưa tạo động lực thu hút các chủ thể tham gia.

“Đối với các hạng mục đầu tư xây dựng công trình thuộc trường hợp lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật của dự án liên kết theo Nghị quyết 17 của HĐND tỉnh thường là đầu tư xây dựng trang trại nuôi trồng và được thực hiện trên đất nông nghiệp thì vướng một số vấn đề. Cụ thể, đất nào được phép xây dựng trang trại? Khi đầu tư xây dựng trang trại thì hình thức cấp phép xây dựng chưa có hướng dẫn nên đến nay vẫn vướng và không thực hiện được” - ông Tấn nói.

NHÃ PHƯƠNG