Trồng dâu nuôi tằm: Đề xuất sản xuất theo chuỗi giá trị

TRIÊU NHAN 20/07/2023 07:53

Trong một đề tài khoa học về nghề trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn tỉnh, nhóm nghiên cứu thuộc Viện Thổ nhưỡng nông hóa đã khảo sát, xây dựng mô hình và đề xuất giải pháp sản xuất theo chuỗi giá trị.

Một hộ nông dân huyện Duy Xuyên nỗ lực khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm để bán tằm thương phẩm. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Một hộ nông dân huyện Duy Xuyên nỗ lực khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm để bán tằm thương phẩm. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Thời gian qua, Quảng Nam đã có nhiều động thái tích cực nhằm khôi phục, bảo tồn và phát triển một số diện tích trồng dâu cũng như nghề trồng dâu nuôi tằm trong dân.

Các địa phương Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên và Nông Sơn đã khôi phục được một số diện tích trồng dâu nuôi tằm. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học về các giải pháp phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm được triển khai.

ThS.Lê Xuân Ánh - Viện Thổ nhưỡng nông hóa cho biết, qua nghiên cứu, vùng đất phát triển nghề trồng dâu thuộc 3 nhóm đất: phù sa, đất xám, đất cát và các yếu tố liên quan; đồng thời đề xuất khu vực ưu tiên phát triển trồng dâu tại Đại Lộc, Điện Bàn, Nông Sơn và Duy Xuyên.

Giai đoạn 2020 - 2025, các nhà khoa học khuyến khích 4 địa phương ưu tiên phát triển trồng dâu với diện tích 4.663,9ha; trong đó Duy Xuyên 810ha, Điện Bàn 1.614,4ha, Nông Sơn 497.2ha, Đại Lộc 1.741,7ha.

Các nhà nghiên cứu cũng lựa chọn 3 giống dâu trồng thâm canh đạt hiệu quả tại Quảng Nam gồm giống dâu VH15, GQ2 và S7CB (trồng mật độ 50.000 cây/ha); đồng thời xây dựng được 3 mô hình trồng dâu giống mới gồm giống dâu VH15 và S7-CB (quy mô 0,5ha/mô hình), quy mô 10 - 15 hộ/mô hình tại Đại Lộc, Điện Bàn và Duy Xuyên, cho năng suất lá dâu đạt hơn 35 tấn/ha. Xây dựng 3 mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi tằm nhằm giảm chi phí nhân công lao động, tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

“Để khôi phục và phát triển bền vững nghề dâu tằm, tơ lụa tại Quảng Nam, các địa phương, sở ngành cần đồng bộ các giải pháp như: quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất; xác định bộ giống dâu, tằm phù hợp, kỹ thuật canh tác cũng như xây dựng mô hình trồng và chế biến nguyên liệu; đẩy mạnh liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, người dân để tổ chức sản xuất hàng hóa nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm…” - Th.S.Ánh nói.

Ông Nguyễn Phê - Giám đốc HTX Lệ Bắc (xã Duy Châu, Duy Xuyên) cho biết, thời gian qua, nông dân Lệ Bắc cũng nhận được được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ giống dâu tằm, giúp xã viên có thu nhập ổn định.

Song, để phát triển bền vững, HTX và người dân mong muốn các viện nghiên cứu, nhà khoa học có hướng hỗ trợ người dân phục hồi nghề trồng dâu nuôi tằm; nhà nước có giải pháp hỗ trợ để ngành tơ lụa phát triển…

Bà Phan Thị Á Kim - Phó Giám đốc Sở KH-CN cho rằng, các nhà nghiên cứu cần chuẩn hóa quy trình kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm để hỗ trợ người dân áp dụng vào sản xuất. Vấn đề đầu ra, khâu liên kết theo chuỗi để phát triển sản phẩm cũng rất quan trọng, góp phần đưa kết quả từ nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

Cần đề xuất kiến nghị tỉnh, ngành nông nghiệp tham mưu tỉnh xây dựng quy hoạch vùng phát triển trồng dâu nuôi tằm, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, HTX phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị; đồng thời kiến nghị ngành liên quan đề xuất tỉnh cơ chế hỗ trợ để khôi phục và phát triển làng nghề…

TRIÊU NHAN