Đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị

HOÀNG LIÊN 18/07/2023 06:22

Từ các cơ chế, chính sách, Quảng Nam đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng, con vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân, hướng tới nền sản xuất bền vững.

Vùng liên kết sản xuất lúa giống theo chuỗi giá trị ở xã Đại Minh. Ảnh: H.L
Vùng liên kết sản xuất lúa giống theo chuỗi giá trị ở xã Đại Minh. Ảnh: H.L

Tiếp sức tạo chuỗi liên kết

Vụ đông xuân 2022 - 2023, HTX Nông nghiệp Điện Hồng 1 (thị xã Điện Bàn) được hỗ trợ triển khai dự án liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa theo chuỗi giá trị. HTX đã liên kết với Công ty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng tổ chức cho nông dân địa phương sản xuất 20ha hạt giống lúa lai Việt Lai 20 và TH 3-4 theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ đầu ra cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho hay, đây là dự án liên kết sản xuất được hỗ trợ theo Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh, Quyết định số 291 của UBND tỉnh và Quyết định số 521 của UBND thị xã Điện Bàn trong năm 2023 về phê duyệt hỗ trợ kế hoạch sản xuất và tiêu thụ hạt giống lúa lai đối với HTX Nông nghiệp Điện Hồng 1.

Dự án có tổng kinh phí đầu tư 555,4 triệu đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 247,6 triệu đồng, bao gồm phân bón 102,6 triệu đồng, tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác 28 triệu đồng, khuyến khích tiêu thụ sản phẩm 117 triệu đồng.

“Mô hình liên kết sản xuất hạt giống lúa lai giữa HTX, doanh nghiệp và người dân đã thắng lợi lớn. Vụ đông xuân vừa qua, năng suất bình quân 1ha lúa giống đạt hơn 60 tạ, doanh nghiệp thu mua giá 26.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, nông dân lãi ròng 80 - 100 triệu đồng/ha/vụ” - ông Chơi nói.

Theo ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, thực hiện Nghị quyết 17 của HĐND tỉnh, từ năm 2021 đến nay, huyện tiếp nhận hơn 2,7 tỷ đồng (năm 2021 hơn 1,1 tỷ đồng; năm 2022: 820 triệu đồng; năm 2023: 820 triệu đồng) để hỗ trợ nhiều dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

UBND huyện cũng lồng ghép nguồn vốn theo Nghị định 35 về hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa; đã phê duyệt hỗ trợ hơn 11 tỷ đồng cho 24 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống, lúa thương phẩm với diện tích 1.544,7ha.

Tính đến tháng 6/2023, Quảng Nam đã có 75 dự án, kế hoạch liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị được phê duyệt với tổng kinh phí hơn 311 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí nhà nước hỗ trợ theo Nghị quyết 17 là gần 49 tỷ đồng, nguồn lồng ghép hỗ trợ từ Nghị định 135 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất lúa là hơn 3,5 tỷ đồng.

Có 66 dự án/kế hoạch liên kết trên lĩnh vực trồng trọt, 3 dự án cây lâm nghiệp, 6 dự án chăn nuôi tại 18 huyện/thành phố/thị xã và 1 doanh nghiệp. Trong đó có 1 dự án liên kết cấp tỉnh được UBND tỉnh ủy quyền Sở NN&PTNT phê duyệt.

Có 75 dự án, kế hoạch liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã thu hút 78 HTX và 72 doanh nghiệp, 17.062 hộ dân tham gia thực hiện liên kết. Theo ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, các dự án tập trung ở lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp và chăn nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân ổn định đầu ra các mặt hàng nông sản chủ lực, hạn chế tình trạng được mùa mất giá...

Điểm sáng Đại Minh

HTX Nông nghiệp Đại Minh đã xây dựng và được UBND huyện Đại Lộc phê duyệt 3 dự án liên kết sản xuất lúa giống thuần theo Nghị quyết 17/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

HTX liên kết với Công ty TNHH Thái Bình Seed miền Trung - Tây Nguyên sản xuất trong năm 2020, 2021, 2022 và năm 2023. Các mô hình sản xuất được triển khai tại 3 cánh đồng Gia Huệ, Phú Phước, Tây Gia với 1.230 hộ tham gia, vốn đầu tư hơn 7,6 tỷ đồng (vốn đối ứng của nhân dân và HTX hơn 6,1 tỷ đồng; nhà nước hỗ trợ cho nhân dân và HTX hơn 1,57 tỷ đồng).

Vụ đông xuân 2022 - 2023, HTX Nông nghiệp Đại Minh hợp đồng liên kết với Công ty TNHH Thái Bình Seed miền Trung - Tây Nguyên sản xuất 157ha lúa giống BC 15, TBR 225, TBR 279, Đông A1, Bắc thơm 7, thu mua được 585 tấn giống các loại. Giá lúa giống được công ty thu mua cao hơn giá lúa thương phẩm 2.000 đồng/kg, đã làm lợi cho nông dân hơn 1 tỷ đồng.

Ông Ngô Văn Phi - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Minh chia sẻ: “Với các dự án liên kết chuỗi giá trị, người dân được hỗ trợ, trang bị về kỹ thuật, đem tiến bộ mới vào đồng ruộng, tiếp cận với giống mới, giống BC mới kháng đạo ôn, được nhà nước hỗ trợ 50% giống, phân bón.

Ở đầu vào, người dân được hỗ trợ mua chậm trả, cung ứng vật tư nông nghiệp chậm trả; đầu ra được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá trị cao hơn từ 1.500 - 1.700 đồng/kg. Từ 3 dự án, HTX đã làm lợi cho thành viên hơn 4 tỷ đồng, lợi nhuận chiết khấu của HTX hơn 600 triệu đồng”.

Từ chỗ liên kết sản xuất 50ha lúa giống ban đầu, đến nay, HTX đã liên kết sản xuất 220ha lúa giống/năm trên diện tích là 241ha. HTX còn bao tiêu sản phẩm cho đất màu với quy mô hàng trăm tấn nông sản các loại... giúp nông dân xã nhà thu lợi nhiều tỷ đồng. Đây là điểm sáng trong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

HOÀNG LIÊN