Phát triển kinh tế vườn, trang trại theo hướng hữu cơ
(QNO) - Thực hiện Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh định hướng cho các địa phương, chủ vườn, trang trại phát triển kinh tế theo hướng hữu cơ, bền vững.
Trang bị kiến thức nhà nông
Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh vừa tổ chức lớp tập huấn về giải pháp nuôi trồng theo hướng an toàn sinh học, sạch, sinh thái và ứng dụng công nghệ cao trong phát triển kinh tế vườn, trang trại cho các chủ vườn, trang trại và cán bộ ngành nông nghiệp.
Nội dung lớp tập huấn để hướng dẫn cho nông dân đảm bảo an toàn từ khu vực sản xuất, chăn nuôi đến việc chọn cây, con giống chất lượng, công tác phòng ngừa dịch bệnh, cách xử lý khi có dịch bệnh xảy ra, kiến thức về tầm soát sâu bệnh, sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng tự động hóa trong nông nghiệp với hệ thống tưới tiêu, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, cảm biến môi trường...
Tham gia lớp tập huấn, ông Trần Văn Duy (xã Quế Long, Quế Sơn) được dung nạp thêm nhiều kiến thức hữu ích trong quá trình phát triển kinh tế vườn của mình. Ông Duy cho biết, gia đình ông có vườn rộng gần 2.000m2, trồng các loại cây măng cụt, thanh long, bưởi (đã cho quả).
Tuy nhiên, những năm gần đây, hơn 30 gốc thanh long của ông mỗi lần ra quả là bị ruồi vàng tấn công, gây hư hại. Ông Duy nghiên cứu tìm cách loại trừ loài côn trùng này theo hướng không dùng thuốc hóa học, nhưng vẫn chưa hiệu quả.
Năm nay, ông Trần Văn Duy đăng ký tham gia phát triển kinh tế vườn theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh và đã được phê duyệt. Hiện ông đã đầu tư giếng khoan để chủ động nguồn nước tươi tiêu cho vườn cây ăn trái của mình.
“Những kiến thức từ lớp tập huấn rất bổ ích, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để áp dụng hiệu quả vào khu vườn của mình. Trước mắt, tôi sẽ dùng cách bọc quả để bảo vệ trước sự tấn công của ruồi vàng” - ông Duy nói.
Ông Nguyễn Văn Quý - cán bộ nông nghiệp xã Trà Đông (Bắc Trà My) thông tin, năm 2023, toàn xã có 80 hộ đăng ký tham gia theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh.
“Những loại cây trồng mới như măng cụt, bưởi, ổi, sầu riêng hay chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học thì còn khá mới mẻ với bà con địa phương vốn lâu nay canh tác theo hướng truyền thống.
Vì thế, tôi mong muốn có nhiều hơn các lớp tập huấn trang bị kiến thức nuôi trồng để nông dân được tiếp cận với những kiến thức mới, khoa học, áp dụng thực tế vào quá trình sản xuất một cách hiệu quả nhất” - ông Quý chia sẻ.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, hơn 100 chủ vườn, chủ trang trại tham gia tập huấn sản xuất nuôi trồng theo hướng an toàn sinh học sẽ nắm kỹ kiến thức nhà nông, có thể áp dụng vào vườn cây trái, trang trại của mình, từ đó sẽ nâng cao năng suất sản xuất, đem lại giá trị kinh tế cao hơn trên đơn vị diện tích thâm canh.
Nông nghiệp hữu cơ, bền vững
Ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, Quảng Nam định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại. Trong đó, phát triển kinh tế vườn, trang trại hướng đến mục tiêu gia tăng giá trị, tạo ra được khối lượng hàng hóa lớn; đồng thời đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Hướng đi này có thể giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đồng thời tạo nguồn nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm OCOP.
"Từ các kiến thúc đã tập huấn, chúng tôi mong muốn các chủ vườn, trang trại sẽ áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, hình thành và phát triển những khu vườn, trang trại sạch, đảm bảo môi trường sinh thái và phát triển bền vững theo đúng mục tiêu nghị quyết đề ra” - ông Noa nói.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, triển khai Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh, ngành nông nghiệp chủ động triển khai đến các địa phương. Năm 2022, 15 huyện được phân bổ 50 tỷ đồng; năm 2023, tiếp tục bố trí 49,6 tỷ đồng cho 16 huyện, thành phố.
Tính thời điểm này, từ nguồn vốn Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh đã hỗ trợ được trên 300 hệ thống tưới (tưới nhỏ giọt, phun mưa, tưới ngầm...), hỗ trợ chỉnh trang, cải tạo, giống và phân bón, mua sắm máy móc, thiết bị, xây dựng hạ tầng cho 320 vườn và 7 trang trại.
Theo ông Trần Văn Noa, qua 1 năm triển khai nghị quyết, người dân đã bước đầu tiếp cận được cơ chế, cùng với nguồn vốn hỗ trợ, tập trung đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Qua đó góp phần thúc đẩy các hình thức tổ chức sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân, tạo cảnh quan môi trường nông thôn, hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới.