Đại Lộc xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị
Mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ở huyện Đại Lộc thời gian qua đã đạt được những kết quả bước đầu, hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Xây dựng chuỗi liên kết
Từ cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 17/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về quy định chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nền sản xuất nông nghiệp huyện Đại Lộc đã gặt hái được một số thành quả bước đầu.
Theo tinh thần hỗ trợ từ Nghị quyết 17, có 4 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản được triển khai tại Đại Lộc giai đoạn 2021 - 2022. Đó là dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ giống lúa thuần (HTX Nông nghiệp Đại Thắng), do Công ty CP Tập đoàn ThaiBinhSeed - Chi nhánh miền Trung - Tây Nguyên chủ trì, thu hút 400 hộ dân tham gia trên tổng diện tích 55ha, có tổng đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng (nguồn lực hỗ trợ từ Nghị quyết 17 là 266,2 triệu đồng).
Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ giống lúa thuần (HTX Nông nghiệp Đại Minh), do Công ty CP Tập đoàn ThaiBinhSeed - Chi nhánh miền Trung - Tây Nguyên chủ trì, thu hút 420 hộ tham gia trên tổng diện tích 53ha, có tổng kinh phí thực hiện hơn 2,3 tỷ đồng (nguồn hỗ trợ theo Nghị quyết 17 hơn 276,5 triệu đồng).
Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ giống lúa lai F1 (HTX Nông nghiệp Đại Nghĩa), do Công ty MAHYCO Việt Nam chủ trì, thu hút 400 hộ tham gia trên tổng diện tích 53ha, có tổng kinh phí đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng (nguồn hỗ trợ theo Nghị quyết 17 hơn 256,5 triệu đồng).
Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ giống lúa thuần (HTX Dịch vụ nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp Đại Hiệp), do Công ty CP Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam chủ trì, thu hút 430 hộ dân tham gia trên tổng diện tích 70ha, có tổng kinh phí đầu tư hơn 2,4 tỷ đồng (nguồn hỗ trợ theo Nghị quyết 17 hơn 301,4 triệu đồng).
Đại Lộc có hơn 1.821ha đất lúa có liên kết sản xuất, trong đó diện tích đã hỗ trợ dự án liên kết giai đoạn 2020 - 2022 hơn 1.544ha. Tổng kinh phí tiếp nhận theo nguồn lực hỗ trợ của Nghị quyết 17 của HĐND tỉnh tại Đại Lộc đến nay hơn 2,7 tỷ đồng (năm 2021 là 1,1 tỷ đồng, năm 2022 là 820 triệu đồng và năm 2023 là 820 triệu đồng).
Năm 2022, cũng từ cơ chế, chính sách của Nghị quyết 17, các địa phương được hỗ trợ khuyến khích tiêu thụ nông sản liên quan đến 4 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống năm 2021.
Năm 2023, tỉnh cũng tiếp tục phân bổ 820 triệu đồng để triển khai và hoàn thiện dự án liên kết, trình hội đồng thẩm định, phê duyệt và triển khai 3 dự án, bao gồm 2 dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ bò thịt tại xã Đại Hòa và xã Đại Hồng (dự kiến hỗ trợ 300 triệu đồng mỗi dự án); dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sen xã Đại Thạnh (dự kiến hỗ trợ 220 triệu đồng).
Theo Phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc, ngoài nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp theo tinh thần Nghị quyết 17, UBND huyện Đại Lộc còn hỗ trợ, lồng ghép từ nguồn vốn theo Nghị định 35 về hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa đã phê duyệt, hỗ trợ 24 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống, lúa thương phẩm với quy mô diện tích 1.544,7ha, kinh phí hỗ trợ hơn 11 tỷ đồng.
Còn nhiều tồn tại, khó khăn
Ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đại Lộc cho biết, việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, sản phẩm làm ra có đơn vị thu mua, tránh tình trạng tư thương ép giá khi vào vụ thu hoạch, giúp nông dân gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích.
Tham gia sản xuất theo chuỗi, người dân được các công ty thu mua với giá gấp 4 lần so với giá lúa thương phẩm ngoài thị trường nên thu nhập của người dân tăng lên rõ rệt, đầu ra cho sản phẩm ổn định hơn.
Để xúc tiến xây dựng các chuỗi liên kết, UBND huyện, ngành nông nghiệp huyện đã chủ động tìm kiếm, kêu gọi các doanh nghiệp về đầu tư, liên kết với nông dân để cung ứng vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất và tiêu thụ các loại nông sản như lúa giống, lúa thương phẩm, bắp giống, đậu xanh giống, rau quả các loại...
Vụ đông xuân 2022 - 2023, Đại Lộc có 17 doanh nghiệp liên kết với các địa phương thông qua các HTX, tổ chức liên kết sản xuất 1.974,9ha cây trồng các loại; trong đó diện tích lúa giống 1.721,3ha, bắp giống 60,5ha, lúa thương phẩm 130ha, đậu phộng 10ha, ớt 10,5ha, thuốc lá 40,6ha, rau 2ha.
Theo ông Trần Việt Phương, bên cạnh kết quả bước đầu, việc xây dựng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị còn nhiều tồn tại. Đó là quy mô sản xuất tại một số địa phương còn manh mún; thiên tai tác động nặng nề.
Mức độ áp dụng công nghệ sau thu hoạch và bảo quản sản phẩm chưa cao; thiếu chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến phụ phẩm; sản phẩm nông nghiệp chưa phong phú. Các liên kết vẫn chưa chặt chẽ, chủ yếu thông qua trung gian. Một số liên kết sản xuất chưa hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và nông dân, đẩy rủi ro về phía nông dân…