Cô gái 8X ở Tam Lãnh và mô hình nuôi dúi bán hoang dã
(QNO) - Sau nhiều năm nuôi dúi theo mô hình công nghiệp, chị Nguyễn Thị Phượng (xã Tam Lãnh, Phú Ninh) quyết định chuyển hướng sang nuôi dúi thuần tự nhiên và cách làm này mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau gần 12 năm khởi nghiệp với mô hình nuôi con, cũng gặp không ít thất bại, chị Phượng không nản lòng mà nỗ lực vượt qua, từng bước tìm cách tiếp cận và đưa con dúi ra thị trường cả nước.
Năm 2011, chị Phượng tốt nghiệp ngành Kinh tế phát triển đại học kinh tế Đà Nẵng. Ra trường, thay vì xin việc vào cơ quan nhà nước hay công ty để làm công ăn lương ổn định, chị Phượng quyết định theo đuổi đam mê khởi nghiệp với việc nuôi dúi.
"Thời gian đầu, ba mẹ phản đối ghê lắm vì mong con gái thoát cảnh chân lấm tay bùn, nhưng thấy tôi quyết tâm theo đuổi nghề nuôi dúi thì cũng dần ủng hộ" - chị Phượng chia sẻ.
Từ số vốn ít ỏi khoảng 15 triệu đồng, chị ra Thái Nguyên mua 15 cặp dúi giống nhưng trên đường về chỉ còn sống sót một cặp. Toàn bộ số tiền tích góp gần như không còn.
Quyết không bỏ cuộc, chị Phượng vay mượn của người thân cây vàng để bán và mua 35 cặp dúi về thả nuôi. Tuy nhiên, do không chủ động được nguồn thức ăn, cộng với thiếu kinh nghiệm nên dúi tiếp tục chết không rõ nguyên nhân và chỉ còn lại vài chục con.
Không nản lòng trước thất bại, chị Phượng đi tham quan các trang trại và cũng rút ra bài học cho mình. Từ những cặp dúi bố mẹ ban đầu, chị đã nhân giống lên hàng trăm con. Chị bắt đầu mở rộng chuồng trại phát triển đàn dúi theo hình thức công nghiệp.
Sau vài năm nhận thấy nuôi dúi theo hình thức này kém ổn định, thị trường tiêu thụ dúi thương phẩm và dúi giống ngày càng khó cạnh tranh. Để thay đổi hướng đi riêng, chị chuyển sang nuôi dúi theo hướng bán hoang dã từ năm 2017 cho đến nay.
Hiện tại chị Phượng đang sở hữu 2 trại nuôi dúi với diện tích khoảng 300m², với khoảng 500 con cả dúi thịt và dúi lứa. Chị phân thành từng trại cách biệt để khách có thể tham quan nhưng không ảnh hưởng dúi mẹ. Cạnh đó, chị Phượng tự trồng tre, nứa, khoai mỳ, bắp để làm thức ăn cho dúi thay vì cho thức ăn công nghiệp như trước đây.
“Nếu nuôi dúi theo kiểu công nghiệp thì khoảng 5 tháng, mỗi con dúi đạt trọng lượng 1,5kg là xuất bán được. Còn nuôi dúi theo lối này thì kéo dài 7-8 tháng. Thời gian chăm sóc con dúi kéo dài nhưng bù lại chất lượng da, thịt ngon, khách hàng rất ưa chuộng” - chị Phượng nói.
Ngoài nuôi dúi tại trang trại, chị Phượng còn xây dựng chuỗi liên kết nuôi dúi thương phẩm. Đến nay có hơn 50 hộ trên cả nước tham gia chuỗi liên kết này. Mỗi tháng chị Phượng cung cấp ra thị trường khoảng 200 - 300 con dúi thương phẩm và hàng trăm con dúi giống ra thị trường. Năm 2020, mô hình nuôi dúi của chị Phượng được UBND tỉnh công nhận ý tưởng dự án khởi nghiệp dự án sáng tạo khởi nghiệp cấp tỉnh.
Thị trường tiêu thụ thịt dúi thương phẩm của chị Phượng chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, giá dao động 550 - 650 ngàn đồng/kg. Dúi giống giá từ và trăm ngàn đến 3 triệu đồng một đôi tùy độ tuổi, mỗi năm thu lãi khoảng 200 - 300 triệu đồng. Thời gian tới, chị Phượng định hướng chế biến thịt dúi để đưa vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, song song với bán dúi thương phẩm.
Ông Trinh Ngọc An - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh cho biết, mô hình nuôi con dúi của chị Phượng ở Tam Lãnh phù hợp với tình hình ở địa phương. Ngành chức năng luôn vận động bà con nông dân các xã phát triển mô hình đến chuỗi liên kết.
[VIDEO] - Chị Phượng chia sẻ về mô hình nuôi dúi: