“Tam nông” ở vùng đất phù sa: Trụ đỡ của nền kinh tế
(QNO) - Nông nghiệp Điện Bàn phát triển, xây dựng nông thôn mới bền vững, nông dân là chủ thể của quá trình sản xuất đã góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, trở thành trụ đỡ cho nền kinh tế thị xã, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19, nông nghiệp là “cứu cánh” an sinh đời sống.
Mời xem bài trước:“Tam nông” ở vùng đất phù sa: Khơi dậy sức dân
Làm giàu từ mô hình trang trại
3 giờ chiều, dưới cái nắng chói chang mùa hè ông Phan Xang (thôn Bến Đền, xã Điện Quang) đưa tôi qua biền, nơi có trang trại nuôi bò và trồng bắp, đậu của gia đình.
Ông kể, năm 2017 ông nuôi 4 con bò và trồng đậu cô ve, đậu phụng, bắp nếp trên diện tích đất 1,2ha được xã cấp, cuối năm bán bò cùng với thu hoạch nông sản, sau khi trừ chi phí lãi ròng hơn 100 triệu đồng. Thấy nuôi bò nhốt chuồng không tốn công chăn thả nhiều lại tận dụng được thức ăn tại chỗ, năm 2018 ông đăng ký vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội, xây dựng trang trại hiện đại hơn, có chỗ tránh lũ cho bò, có nơi dự trữ thức ăn cho mùa mưa, đặc biệt chuồng trại xây dựng xa khu dân cư tránh ô nhiễm môi trường.
Thả 22 con bò giống, với kinh nghiệm và quy trình được tập huấn, bò tại chuồng, cỏ tại chỗ, thú y trong nhà, lứa bò này có thời gian nuôi 11 tháng, sau khi trừ tất cả chi phí ông Xang lãi hơn 400 triệu đồng. Từ đó đến nay với việc nuôi bò và trồng nông sản, kinh tế gia đình khá lên, bản thân ông Phan Xang đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền.
“Chủ trương, chính sách của Đảng hợp với lòng dân, Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ cho nông dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, các nguồn vốn vay ưu đãi, địa phương quy hoạch vùng chăn nuôi, sản xuất ổn định thì việc nông dân làm giàu không khó” - ông Xang bộc bạch.
Điện Quang là một trong 10 xã về đích nông thôn mới sớm nhất tỉnh, đang hoàn thiện các tiêu chí để trở thành nông thôn mới kiễu mẫu. Tính đến cuối năm 2022, Điện Quang có tổng diện tích trồng trọt 1.308ha, sản lượng lương thực đạt 4.640 tấn, trong đó canh tác chủ yếu là lúa, bắp lai, các loại đậu, ớt, dưa hấu, mè đen…diện tích trồng cỏ nuôi bò chiếm 151ha. Đàn bò toàn xã hiện có 4.756 con, duy trì mô hình trang trại bò xa khu dân cư. Thu nhập bình quân của người dân 60,36 triệu đồng/năm.
Cuộc sống khó khăn đã nhen nhóm ý chí thoát nghèo cho Đỗ Minh Hưng ở thôn Nông Sơn 1 (xã Điện Phước). Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, Hưng nghĩ khi sống trên vùng đất trù phú này thì phải thay đổi cách làm ăn mới làm giàu được.
Hưng tự mày mò, thay đổi thói quen trong sản xuất nông nghiệp, rồi được tham gia các buổi tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của thị xã. Với bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó cùng với niềm đam mê ruộng đồng, lại được hỗ trợ vay vốn sản xuất, Hưng quyết định thuê đất làm trang trại, trồng cỏ, nuôi bò, chế biến thức ăn chăn nuôi.
Mô hình nuôi bò của Hưng rất khác biệt, đó là nuôi bò nái, đẻ con; nuôi bò thịt, thức ăn chế biến tại chỗ; tự Hưng làm thú ý chăm sóc, một vòng tròn khép kín từ bò sinh sản đến khi bán bò thịt ra thị trường. Những năm gần đây, Hưng mua thêm máy cày, máy cuốn rơm làm dịch vụ khi đến mùa thu hoạch, mở cơ sở sản xuất chả tại nhà cho vợ kinh doanh. Tổng doanh thu một năm 4 tỷ đồng, lãi ròng gần 1 tỷ đồng, trang trại chăn nuôi và sản xuất của Hưng thường xuyên có 7 lao động, thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng.
“Nếu nhiều nông dân tiếp cận được chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, trực tiếp hưởng lợi từ những chính sách đó thì nên mở rộng các ngành nghề sản xuất kinh doanh dịch vụ, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu nhập, làm giàu chính đáng trên quê hương mình” - Hưng chia sẻ.
Trụ đỡ cho nền kinh tế
Năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, Điện Bàn là địa phương có vị trí trung tâm kết nối giữa đô thị cổ Hội An và TP.Đà Nẵng cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ, địa bàn có Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, các cụm công nghiệp nhỏ và vừa thu hút lực lượng lao động rất lớn.
Dịch bệnh xảy ra, một số doanh nghiệp, nhà máy sản xuất đóng cửa, công nhân nghỉ việc... Sản xuất nông nghiệp lúc bấy giờ trở thành “cứu cánh” mọi mặt đời sống xã hội. Không dừng lại ở đó, Điện Bàn còn huy động hơn 110 tấn rau củ quả, gạo, cá mắm chi viện cho những người con quê hương đang sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh và các quận Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn của TP.Đà Nẵng.
Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để thực hiện Chỉ thị 19, Điện Bàn cụ thể hóa bằng Đề án phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, định hướng phát triển nông nghiệp theo hai khu vực, đô thị và ngoài đô thị.
Nông nghiệp đô thị được xác định ở 12 phường, chủ yếu phát triển nông nghiệp hữu cơ - tuần hoàn; nông nghiệp tạo ra hệ thống cảnh quan như hệ thống cây xanh, công viên, các vành đai xanh đô thị, ao hồ điều hòa…
Những sản phẩm nông nghiệp đô thị này không chỉ làm mới không gian đô thị mà còn góp phần cải thiện môi trường sống cho cộng đồng cư dân, thúc đẩy phát triển “đô thị sinh thái”, “đô thị xanh”, bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân thị xã trong bối cảnh đô thị hóa dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Nông nghiệp ngoài đô thị nằm ở 8 xã nông thôn mới. Đây là khu vực phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và an toàn thực phẩm, kết hợp với phát triển chuỗi liên kết. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng tùy theo đặc điểm của từng vùng gắn chặt nhu cầu thị trường, quy hoạch sản xuất nông nghiệp bền vững như phát triển sản xuất lúa, nhất là lúa chất lượng cao
Cùng với đó, Điện Bàn phát triển sản xuất thực phẩm, rau màu, hoa, cây cảnh; phát triển các mô hình nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học đạt tiêu chuẩn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã để giúp nông dân sản xuất hiệu quả và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm cải thiện mức sống của người dân gắn với xây dựng nông thôn mới.
Bà Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn khẳng định: “Phát triển nông nghiệp ở Điện Bàn hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất các yếu tố, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, đánh giá tác động môi trường thông qua việc áp dụng các quy trình sản xuất hữu cơ, hạn chế dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, cải thiện môi trường sinh thái, đảm bảo môi trường sống trong lành, nông nghiệp bội thu, nông dân giàu có, thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế địa phương”.
..........
Mời xem bài cuối: Mơ ra biển lớn