Làng nghề chổi đót ở Duy Trinh vào mùa

VĂN TÂY - NGUYỄN QUỲNH 20/06/2023 17:11

(QNO) - Làng nghề sản xuất chổi đót ở xã Duy Trinh (Duy Xuyên) đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, nhất là chị em phụ nữ lớn tuổi. 

Nghề làm chổi đót giúp nhiều phụ nữ ở Duy Xuyên có thêm thu nhập. Ảnh: Q.T
Nghề làm chổi đót giúp nhiều phụ nữ ở Duy Trinh có thêm thu nhập. Ảnh: Q.T

Vừa thoăn thoắt buộc từng chiếc chổi, bà Hà Thị Thu (58 tuổi, thôn Chiêm Sơn, Duy Trinh) cho biết, vào thời điểm nắng nóng như hiện nay, bà cùng các chị em khác tại xưởng đã bắt đầu làm việc từ 5 giờ sáng và được nghỉ sớm hơn các lao động khác. Bà Thu gắn bó với nghề làm chổi đót hơn 20 năm nay, bình quân mỗi ngày bà cùng các công nhân tại xưởng sản xuất khoảng 130 - 150 cái chổi đót, thu nhập 150 nghìn đồng/ngày.

Để làm hoàn thiện cây chổi đót trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Ảnh: Q.T
Để làm hoàn thiện cây chổi đót trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Ảnh: Q.T

“Với người Việt mình chổi sản xuất chổi thủ công vẫn được sử dụng vệ sinh phổ biến trong nhà, công xưởng, nên không lo đầu ra. Chổi đót do các chị em làng Chiêm Sơn làm ra có ưu thế là cán cầm chắc tay, lưỡi chổi xòe, có mùi thơm đặc trưng của đót. Nghề này giải quyết việc làm cho hầu hết chị em phụ nữ đứng tuổi trong thôn" - bà Thu chia sẻ.

Tại thôn Chiêm Sơn, phần lớn đều sản xuất chổi đót theo quy mô hộ gia đình, tranh thủ thời gian rảnh, người dân nhận về nhà làm để tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, khi thị trường tiêu thụ mạnh, nghề làm chổi cũng trở thành nguồn thu nhập chính của không ít gia đình.

Khó nhất là công đoạn quấn chổi. Ảnh: Q.T
Khó nhất là công đoạn quấn chổi. Ảnh: Q.T

Để làm ra chiếc chổi, người thợ không chỉ nhanh nhẹn mà còn khéo tay. Mỗi lao động bình quân bó được khoảng 50 cây/ngày, mỗi cây được tính tiền công khoảng 400 - 500 đồng.

Theo bà Thu, nghề làm chổi tuy không nặng nhọc, nhưng thường xuyên hít bụi từ đót cũng ảnh hưởng sức khỏe về lâu dài. Khi bó đót phải quấn đều và chặt tay, nếu lỏng thì sau này hoàn thành, cây chổi sẽ bị rời ra khi sử dụng. 

Dụng cụ chuyên dụng giúp buộc chổi nhanh hơn. Ảnh: Q.T
Dụng cụ chuyên dụng giúp buộc chổi nhanh hơn. Ảnh: Q.T

Trong khu nhà xưởng chưa đầy 100m2, chị Nguyễn Thị Kim Oanh - chủ cơ sở chổi đót thôn Chiêm Sơn để đầy nguyên liệu làm chổi đót như thanh trúc, dây nhợ, mây, đót….

Nguồn đót được chị Oanh nhập về từ bên nước Lào, còn thanh trúc thì mua của người dân ở các huyện miền núi như Đông Giang, Tây Giang. Ngoài làm chổi cán bằng trúc, cơ sở của chị còn làm chổi bằng cán nhựa. Kích thước của mỗi cây chổi còn tùy thuộc yêu cầu của khách hàng. 

Chị Oanh cho biết, cơ sở của chị có 20 nhân công, họ làm việc theo dây chuyền từng công đoạn để hình thành một chổi đót. Tiền công được tính theo số lượng sản phẩm, mỗi người thợ nhận được khoảng 150 - 200 nghìn đồng/ngày.

Mỗi tháng cơ sở này cung ứng ra thị trường hơn 10.000 cây chổi (giá sỉ 26 nghìn đồng/cây). Thị trường tiêu thụ chổi đót khắp cả nước, nhưng khách hàng mua nhiều nhất tập trung ở tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. 

Cán chổi đót làm bằng trúc hoặc nhựa. Ảnh: Q.T
Cán chổi đót làm bằng trúc hoặc nhựa. Ảnh: Q.T

Chổi Chiêm Sơn và các thôn khác của xã Duy Trinh bền bỉ, ít bị hư hỏng, rơi sợi đót hơn so với các vùng khác là nhờ bàn tay khéo léo, chăm chuốt sản phẩm của người dân nơi đây. Và quan trọng hơn là người làm chổi đót ở Duy Trinh giữ được chữ tín với khách hàng cho từng sản phẩm do mình tạo ra. 

Toàn xã Duy Trinh hiện có khoảng 60-70 hộ gia đình chuyên làm chổi đót, trong đó có hơn 10 cơ sở có quy mô, tạo công việc ổn định cho hàng trăm lao động địa phương, chủ yếu phụ nữ và người lớn tuổi với mức thu nhập bình quân 4-6 triệu đồng/tháng/người.

[VIDEO] - Một cơ sở chuyên sản xuất chổi đốt ở xã Duy Trinh:

VĂN TÂY - NGUYỄN QUỲNH