Gương nông dân xã Trà Dương làm giàu từ kinh tế vườn
(QNO) - Cần mẫn cải tạo vườn đồi, ông Thân Đức Lưỡng (xã Trà Dương, Bắc Trà My) đã trồng hơn 2ha các loại cây ăn quả như bưởi, ổi, thanh trà, sầu riêng, mít... Hằng năm, vườn cây này giúp gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định.
Từ năm 2002, ông Lưỡng quyết định cải tạo hơn 2ha đất vườn đồi để trồng cây ăn quả. Tuy nhiên do canh tác theo hướng truyền thống, tự tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăm sóc từ những người đi trước nên năng suất và chất lượng quả không cao, khó cạnh tranh thị trường.
Trăn trở nhiều, ông tìm đến những mô hình hiệu quả, tích cực tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn về trồng và phát triển cây ăn quả và áp dụng, và sau một thời gian, năng suất và chất lượng quả được nâng lên rõ rệt.
Hiện khu vườn của ông có hơn nửa diện tích trồng thanh trà và bưởi xanh đang cho quả. Đây là 2 loại cây ông trồng từ những ngày đầu cải tạo vườn, mỗi cây cho vài chục cân quả mỗi mùa. Với mức giá hiện nay khoảng 20 nghìn đồng/1kg, mỗi năm, vườn bưởi, thanh trà mang lại nguồn thu đáng kể.
Cải tạo từng bước khu vườn của mình, những năm gần đây ông trồng xen canh các loại ổi lê, mít thái và cả sầu riêng. Riêng về ổi lê, được chăm sóc, bao bọc cẩn thận nên cây luôn sai quả, chất lượng thơm ngon nên được người dùng ưa thích. Mỗi ngày ông xuất bán khoảng 15-20kg (giá thành 20 nghìn đồng/kg).
Những cây mít thái 3 năm tuổi cũng đang cho quả, sầu riêng 6 năm tuổi cho hoa mùa đầu tiên. Đây là thành quả sau nhiều năm nỗ lực, gắn bó với vườn của nông dân Thân Đức Lưỡng.
“Việc hằng ngày của tôi gắn với cây rựa, cái kéo. Hết phát quang, cắt tỉa cành thì xoay qua chọn quả, tưới nước, bón phân cho cây... Phải thực sự yêu vườn, hiểu được tập tính, giai đoạn phát triển của từng loại cây thì mới chăm sóc chúng tốt được. Làm vườn thì phải có thời gian để theo dõi, chăm sóc cho từng cây. Cây có biểu hiện gì là phải tìm cách xử lý ngay, tránh để ảnh hưởng đến cả vườn. Nhìn thì đơn giản vậy, nhưng tôi phải giành toàn thời gian cho chúng” - ông Lưỡng chia sẻ.
[VIDEO] - Vườn cây ăn quả của ông Thân Đức Lưỡng
Cũng theo ông Lưỡng, bên cạnh thời gian chăm sóc thì việc cung cấp đủ chất dinh dưỡng và nguồn nước là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây. Để chủ động nguồn nước tưới, ông đào ao, vừa lấy nước tưới cây, vừa nuôi thêm vịt, cá để cải thiện bữa ăn gia đình. Năm nay, ông xin nhà nước hỗ trợ giếng khoan (theo Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, trang trại) để có được nguồn nước tưới ổn định cho khu vườn của mình.
Để cung cấp dinh dưỡng cho cây, ông dùng các loại phân hữu cơ, chế phẩm sinh học để bón, không sử dụng phân bón, thuốc hóa học. Đồng thời dùng túi bọc bọc các quả bưởi xanh, thanh trà, ổi để chúng không bị nám nắng hoặc côn trùng đốt, như vậy quả mới to, đẹp, chất lượng. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi năm từ vườn cây ăn quả, gia đình ông thu về hơn 100 triệu đồng.
Bên cạnh trồng cây ăn quả, ông còn nuôi thêm bò thả ở vườn, mở cơ sở xay xát gạo tại nhà. Mô hình kinh tế của ông đang phát huy hiệu quả, mỗi năm mang lại thu nhập ổn định.
Bà Đoàn Thị Hiếu - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Dương chia sẻ: “Anh Thân Đức Lưỡng là một trong những nông dân phát triển kinh tế vườn đồi rất hiệu quả. Anh luôn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tại địa phương, nhất là tham gia các chương trình tập huấn, chia sẻ kiến thức kinh nghiệm trong sản xuất, phát triển kinh tế và đã áp dụng hiệu quả vào thực tế”.
Cần cù, chịu khó, ham học hỏi, kịp thời nắm bắt cơ hội để phát triển kinh tế, giờ đây nông dân Thân Đức Lưỡng đã có một mô hình kinh tế ổn định, là tấm gương sáng trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. Qua đó, góp phần đáng kể vào tiến trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.