Nghiên cứu giải pháp phát triển trồng dâu nuôi tằm gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị

HOÀNG LIÊN 12/06/2023 21:00

(QNO) - Ngày 12/6, Sở KH&CN nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu giải pháp đồng bộ để phát triển trồng dâu nuôi tằm gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”. Đề tài do ThS. Lê Xuân Ánh chủ nhiệm, Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) chủ trì.

Quang cảnh buổi nghiệm thu đề tài. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Quang cảnh buổi nghiệm thu đề tài. Ảnh: HOÀNG LIÊN

ThS. Lê Xuân Ánh và cộng sự đã xác định được vùng thích hợp cho phát triển trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn Quảng Nam; lựa chọn được bộ giống dâu cao sản và giống tằm cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện sinh thái và mùa vụ Quảng Nam; xây dựng được quy trình trồng dâu và quy trình nuôi tằm hiệu quả cao; xây dựng được mô hình trồng dâu nuôi tằm theo chuỗi giá trị đạt hiệu quả cao.

Theo kết quả điều tra năm 2019, tổng diện tích đất trồng dâu nuôi tằm của các địa phương Quảng Nam là 18ha. Trong đó, Điện Bàn có 4ha trồng ở xã Điện Quang; Duy Xuyên có 12ha, gồm 5ha ở xã Duy Trinh và 7ha ở xã Duy Châu; Nông Sơn phát triển 2ha ở xã Quế Trung.

Đến năm 2022, diện tích dâu của các địa phương tăng lên đáng kể. Trong đó, riêng Duy Xuyên thống kê chưa đầy đủ đã có khoảng 50ha phân bố ở thị trấn Nam Phước và các xã Duy Trinh, Duy Châu, Duy Hòa; Điện Bàn có hơn 5ha tập trung ở xã Điện Quang; Đại Lộc khoảng 7ha.

Ở 4 huyện, thị xã nêu trên có hơn 200 hộ sản xuất nông nghiệp có lịch sử phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm.

Nhóm nghiên cứu tiến hành lấy mẫu đất để phân tích đánh giá tính chất lý, hóa học đất, đánh giá chất lượng vùng nghiên cứu. Kết quả cho thấy, vùng đất phát triển nghề trồng dâu thuộc 3 nhóm đất: phù sa, đất xám, đất cát và các yếu tố liên quan.

Qua đó, đề xuất khu vực ưu tiên phát triển trồng dâu tại 4 huyện, thị xã giai đoạn 2020 - 2025 với tổng diện tích 4.663,9ha (Duy Xuyên 810ha, Điện Bàn 1.614,4ha, Nông Sơn 497.2ha, Đại Lộc 1.741,7ha) và đề xuất vùng ưu tiên phát triển chuyển tiếp giai đoạn 2025 - 2030 tại các huyện, thị xã là 3.434,8ha.

Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Duy Xuyên. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Duy Xuyên. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Nhóm nghiên cứu cũng lựa chọn 3 giống dâu trồng thâm canh đạt hiệu quả tại Quảng Nam là VH15, GQ2 và S7CB trồng với mật độ 50 nghìn cây/ha, cho năng suất lá năm thứ 2 từ 34,39 - 36,85 tấn/ha.

Xác định cơ cấu giống tằm nuôi thích hợp tại xã Điện Quang là vụ xuân, thu nuôi 3 giống tằm lưỡng hệ kén trắng GQ1235, LĐ09, LQ2 cho năng suất từ 18 - 21kg kén/vòng trứng; vụ hè nuôi giống tằm đa hệ lai kén vàng VNT1 năng suất 18,8kg kén/vòng trứng.

Đề tài đã tổ chức 3 buổi tập huấn kỹ thuật về trồng dâu nuôi tằm cho hiệu quả cao và 3 hội nghị tham quan đầu bờ tại các địa phương với 180 lượt người tham gia.

Các nhà khoa học đưa ra khuyến cáo về các giải pháp KH&CN như xây dựng dự án nhằm mở rộng quy mô, phát triển công nghiệp đối với các địa phương nghiên cứu; xây dựng tài liệu kỹ thuật phổ biến rộng rãi cho các địa phương phát triển trồng dâu nuôi tằm của tỉnh.

Khuyến cáo các địa phương có định hướng quy hoạch vùng trồng dâu nuôi tằm theo từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn theo từng địa phương và giai đoạn cụ thể. Sở NN&PTNT xây dựng dự án phát triển đồng bộ mở rộng nghề trồng dâu nuôi tằm tại các địa phương với các phương thức như đầu tư xây dựng chương trình ngắn hạn, dài hạn.

Cụ thể, hỗ trợ các hộ trồng dâu nuôi tằm về giống dâu, giống tằm; hỗ trợ các hộ nuôi tập trung giao cho HTX nông nghiệp quản lý chỉ đạo sản xuất; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp liên kết với các HTX thu mua đầu ra cho sản phẩm kén cho các hộ sản xuất.

Xây dựng nhà ươm tơ để giảm chi phí vận chuyển kén đến các địa phương khác; lập cơ sở phân phối giống tằm tại địa phương; phát triển đề án “dòng sông lụa” kết hợp trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa với phát triển du lịch...

HOÀNG LIÊN