Chăn nuôi trên đệm lót sinh học: Tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường
Chăn nuôi trên đệm lót sinh học ở huyện Thăng Bình cho thấy hiệu quả kép: vừa bảo vệ môi trường vừa thu được hiệu quả kinh tế cao.
Với mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học (ĐLSH) đạt hiệu quả cao, những năm qua ông Lê Duy Đức (thôn Tịch Yên, xã Bình Nam) được vinh danh “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp.
Trước đây, ông Đức được UBND huyện Thăng Bình đưa đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi trên ĐLSH ở các tỉnh phía Bắc và về triển khai thành công tại địa phương. Hiện nay mỗi năm ông Đức đầu tư 23 chuồng trại nuôi 46 nghìn con gà thịt trên ĐLSH.
“Từ khi áp dụng mô hình, phân gà phân hủy tại chuồng, khống chế mùi hôi. Không còn ruồi muỗi tấn công, gà không còn gặp phải bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp như trước đây. ĐLSH giúp thông thoáng vào mùa hè và giữ ấm vào mùa đông nên gà sinh trưởng, phát triển tốt, rất ít hao hụt” - ông Đức nói.
Ở huyện Thăng Bình, nông dân chủ yếu chăn nuôi gia cầm, gia súc theo hộ gia đình với cách thức làm chuồng trại sát nhà ở. Dù người nuôi thường xuyên quét dọn và rửa bằng nước nhưng không khử được hết mùi hôi, chất thải lại tràn ra môi trường gây ô nhiễm.
Từ đó, ngành nông nghiệp địa phương khuyến khích và hỗ trợ người dân chăn nuôi gà, heo trên ĐLSH. Làm ĐLSH chủ yếu dùng vỏ trấu kết hợp với chế phẩm sinh học, chi phí ít lại được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật nên người dân tích cực triển khai.
Bà Phan Thị Thúy (thôn Bình Xá, xã Bình Quế) cho biết, trước đây chăn nuôi heo theo phương pháp truyền thống, xây chuồng xi măng để dội chất thải vào hầm biogas tận dụng làm chất đốt.
Do số lượng heo nuôi nhiều, hầm biogas không đủ khả năng xử lý hết mùi hôi nên gây ô nhiễm môi trường. Được vận động và hỗ trợ của ngành chức năng nên bà Thúy hiện nay nuôi đàn heo 10 con trên ĐLSH.
“Chăn nuôi heo sử dụng ĐLSH không phải tốn thời gian dọn chuồng. Vệ sinh sạch sẽ nên hầu như heo không bị dịch bệnh tấn công. Trong ĐLSH chứa các vi sinh vật có lợi nên thuận lợi cho sinh trưởng, phát triển của đàn heo. Gia đình tôi có thu nhập cao hơn khi chuyển đổi nuôi heo truyền thống sang ĐLSH” - bà Thúy nói.
Ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, ĐLSH dùng cho chăn nuôi thông thường là một lớp vỏ trấu dày 10 - 50cm trộn với chế phẩm vi sinh có tác dụng tiêu hủy phân, nước tiểu, hình thành lớp sinh khối sạch, hạn chế vi khuẩn bệnh và ký sinh trùng, loại bỏ mùi hôi.
Riêng đối với chăn nuôi heo trên ĐLSH, lượng nước có thể tiết kiệm tới 80%, chi phí lao động cũng giảm 60%. Sau khi thải loại, ĐLSH còn được sử dụng làm phân bón cho cây trồng.