Nuôi dê nhốt chuồng cho hiệu quả kinh tế cao

PHƯỚC HIẾU 02/06/2023 09:20

Hơn 7 năm gắn bó với mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng đã giúp gia đình bà Cao Thị Hóa (thôn Lâm Môn, xã Tam Vinh, Phú Ninh) có kinh tế khấm khá. Đây cũng là mô hình chăn nuôi dê khép kín đầu tiên ở xã và đang được nhiều người quan tâm, học hỏi.

Bà Hóa đang cho đàn dê ăn lá cây tự trồng trong vườn nhà. Ảnh: P.H
Bà Hóa đang cho đàn dê ăn lá cây tự trồng trong vườn nhà. Ảnh: P.H

Trước đây, gia đình bà Hóa từng chăn nuôi heo, gà nhưng lợi nhuận mang lại không cao. Năm 2017, bà vay mượn gần 150 triệu đồng để xây dựng chuồng trại với diện tích hơn 100m2 và mua 10 con dê giống về thả nuôi nhốt chuồng.

Bà Hóa cho biết trong 3 năm đầu nhiều lúc muốn bỏ cuộc và quay về chăn nuôi heo, gà vì đàn dê chậm phát triển, đến năm thứ 4 trở đi, đàn dê dần phát triển ổn định, số lượng tăng lên.

Cứ mỗi đợt dê sinh sản, vợ chồng bà Hóa liên tục chọn lọc lấy con dê cái khỏe mạnh và đổi dê đực giống để khỏi trùng huyết. Nhận thấy dê dễ nuôi, ít công chăm sóc nên gia đình bà quyết định di trì và nhân rộng đàn vật nuôi cho đến nay.

“Tay ngang nuôi dê, vợ chồng tôi gặp nhiều trở ngại như lúc con dê đang ăn thì sình bụng, hoặc lúc sinh nở thì con dê mẹ cương sữa. Tôi phải nhờ sự can thiệp của lực lượng thú y. Để trang bị kiến thức phòng và chữa bệnh cho đàn dê, chồng tôi tìm hiểu các loại bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu cho con dê từ lúc sinh đến trưởng thành. Cũng từ đây mà đàn dê hạn chế được nhiều bệnh tật và rủi ro” – bà Hóa chia sẻ.

Cùng với đó, gia đình bà Hóa tự trồng các loại cỏ voi, chuối, so đũa, kết hợp với tinh bột để làm thức ăn giàu dinh dưỡng cho đàn dê. Từ 10 con dê giống, đến nay gia đình bà đã nhân rộng lên hơn 70 con dê bố mẹ, diện tích chuồng trại hơn 2.000m2.

Mỗi năm gia đình bà Hóa cung cấp ra thị trường Quảng Nam và Đà Nẵng hàng trăm con dê giống và dê thịt. Mỗi con dê thịt có giá bán tư 4,5 - 5 triệu đồng, còn dê giống thì 140 nghìn đồng/kg. Mỗi năm gia đình bà có thể thu nhập khoảng 80 triệu đồng từ mô hình chăn nuôi dê.

“Nuôi dê trong môi trường chăn nhốt, thịt thơm ngon nên được nhiều thị trường ưa chuộng và đặt mua thường xuyên, nhiều lúc gia đình tôi không có đủ số lượng dê thương phẩm để cung cấp cho thị trường” – bà Hóa nói.

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở địa phương và các xã lân cận tìm đến tham quan và học hỏi mô hình chăn nuôi dê của gia đình bà Hóa. Đến nay, gia đình bà đã hỗ trợ nhân đàn dê cho 4 hộ dân ở địa phương và huyện Thăng Bình. Với mô hình chăn nuôi dê hiệu quả, nhiều năm qua chính quyền xã luôn đến động viên và khuyến khích mở rộng cho các hộ dân khác ở địa phương.

“Tôi đã tham gia Hội chăn nuôi dê ở Quảng Nam. Thời gian tới tôi sẽ kết nối với nhiều người cùng ý tưởng chăn nuôi dê, để có cơ hội cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và phân phối sản phẩm thuận lợi hơn” – bà Hóa cho hay.

PHƯỚC HIẾU