Sản xuất lúa thích ứng khô hạn

MAI NHI - TÂM ĐAN 30/05/2023 07:45

Trước diễn biến bất lợi của thời tiết, ngành nông nghiệp huyện Hiệp Đức và chính quyền các địa phương phối hợp xây dựng cụ thể kế hoạch sản xuất lúa hè thu 2023, chủ động ứng phó khô hạn nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nhà nông.

Nông dân Hiệp Đức đang tập trung làm đất gieo sạ vụ lúa hè thu 2023. Ảnh: N.Đ
Nông dân Hiệp Đức đang tập trung làm đất gieo sạ vụ lúa hè thu 2023. Ảnh: N.Đ

Ông Đặng Ngọc Tài - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Thọ cho hay, hiện nay địa phương có 448ha đất lúa. Trước nguy cơ thời gian tới nắng nóng xảy ra khốc liệt, vụ này xã chỉ đưa vào kế hoạch sản xuất 331ha nhằm hạn chế tình trạng ruộng lúa bị khô cháy vì không có nước tưới.

Hiện chính quyền địa phương tập trung vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên các ruộng lúa không sản xuất. Dự kiến, sẽ có khoảng 30 - 40ha được chuyển sang gieo trồng đậu phụng, bắp, mè, đậu xanh...

Ông Tài cho biết, nếu nắng nóng hoành hành khiến mực nước của các hồ chứa Bà Sơn, An Tây và 15 đập bổi cũng như các sông suối tụt giảm mạnh thì trong số 331ha lúa nằm trong kế hoạch sản xuất, sẽ có 66ha bị thiếu nước tưới cần phải thực hiện các biện pháp chống hạn.

Theo phương án đã thiết lập, khi tình huống xấu xảy ra, xã Quế Thọ sẽ chi 150 triệu đồng chống hạn cho lúa hè thu. Trong đó, lắp đặt 21 máy bơm dã chiến để tận dụng mọi nguồn nước ngọt cứu lúa.

Ông Lê Văn Bảy - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức thông tin, toàn huyện có 1.332ha đất lúa. Hiện nay, trên địa bàn có 6 hồ chứa nước và hơn 80 đập dâng. Tuy nhiên, thời điểm này mực nước của các hồ chứa thấp hơn cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, theo dự báo, tình hình nắng hạn sẽ kéo dài từ tháng 5 - 8 nên khả năng nguồn nước tưới cho cây lúa sẽ thiếu hụt.

Trước tình hình trên, vụ hè thu năm nay Hiệp Đức chỉ đưa vào gieo sạ 947,5ha lúa, còn 384,5ha không nằm trong kế hoạch sản xuất. Số diện tích không canh tác lúa chủ yếu nằm ở thị trấn Tân Bình và các xã Bình Lâm, Quế Thọ, Bình Sơn, Thăng Phước.

Đối với 947,5ha lúa gieo cấy trong vụ này, ngành nông nghiệp huyện và chính quyền các địa phương khuyến cáo nông dân sử dụng những loại giống chủ lực trung - ngắn ngày như HT1, PC6, HN6, BC15, TBR225...

Còn đối với 384,5ha không sản xuất lúa, tùy vào điều kiện đất đai, khuyến khích người dân chuyển sang trồng bắp, đậu phụng, mè, đậu xanh. Dự kiến có khoảng 30% diện tích thực hiện chuyển đổi cây trồng.

Theo ông Bảy, nếu nắng hạn kéo dài trên diện rộng khiến mực nước các hồ đập, sông suối tụt giảm mạnh thì trong số 947,5ha lúa nằm trong kế hoạch gieo sạ, sẽ có 200ha bị thiếu nước tưới. Khi tình huống xấu xảy ra, Hiệp Đức sẽ chi hơn 1,1 tỷ đồng thực hiện các biện pháp chống hạn.

Trong đó, củng cố các đập bổi hiện có, khơi thông dòng chảy, đắp các đập tạm trên những con suối, dùng ống nhựa chuyển nước tưới cho cây trồng. Đồng thời, nạo vét kênh mương, tu bổ các đập bị hư hỏng gây thất thoát nước.

Đối với những nơi có điều kiện, lắp đặt các trạm bơm điện và bơm dầu dã chiến để tận dụng nguồn nước ở các sông suối, ao hồ. Còn đối với những hồ chứa xuống đến mực nước chết thì đặt máy bơm, bơm qua cống áp lực để chống hạn...

MAI NHI - TÂM ĐAN