Khởi sắc kinh tế vườn, trang trại ở Tam Sơn

VĂN PHIN 25/05/2023 08:53

Những năm gần đây, kinh tế vườn, kinh tế trang trại ở xã Tam Sơn (Núi Thành) phát triển khá mạnh, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mô hình trồng cây ăn quả ở Tam Sơn cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.Phin
Mô hình trồng cây ăn quả ở Tam Sơn cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: V.Phin

Từ vùng đất đồi đầy cây dại hoang hóa, năm 2017, anh Nguyễn Tấn Sửu (thôn Đức Phú) đầu tư công sức và kinh phí hơn 200 triệu đồng để cải tạo thành khu vườn rộng hơn 2.000m2.

Sau đó anh phân lô, làm giàn trồng các loại rau sạch như khổ qua, dưa leo, bầu, bí và rau ăn lá khác. Đồng thời anh lắp đặt hệ thống cung cấp nước tưới cho cây trồng trên vùng đất đồi.

Khu vườn anh Sửu trồng hơn 500 gốc khổ qua, 300 dây dưa leo và hàng trăm dây bí, bầu, rau ăn lá các loại. Hàng ngày, riêng khổ qua và dưa leo anh thu hoạch từ 20 - 30kg trái đều được bán hết ra thị trường. Hàng tháng, trừ chi phí, anh thu lãi từ 7 - 8 triệu đồng. Đây là nguồn thu không nhỏ của người dân miền núi từ vùng đất đồi khô cằn Tam Sơn.

Anh chia sẻ: “Nhằm đảm bảo sản phẩm nông nghiệp sạch, tôi ưu tiên sử dụng các loại phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ, hạn chế tối đa việc dùng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, sản phẩm rau của gia đình tôi được thị trường ưa chuộng”.

Còn anh Đặng Đình Phi Hỗ (trú thôn Thuận Yên Tây) từ năm 2018 đầu tư công sức, tiền của cải tạo 4.000m2 đất đồi trồng hơn 1.000 cây cau, 40 cây cam, 40 cây bưởi và các loại cây ăn quả như mít, chuối, ổi… Hiện tại, các loại cây sinh trưởng, phát triển tốt. Các loại cây cau và cam chuẩn bị cho thu hoạch. Anh Hỗ cho biết:

“Qua thực tế, thổ nhưỡng vùng đồi Tam Sơn rất phù hợp với các loại cây tôi đang trồng. Cây cau, cam, bưởi đang phát triển tốt, triển vọng cho thu hoạch khá, thu nhập cao và sẽ ổn định trong thời gian lâu dài”.

Tại thôn Thuận Yên Đông, từ năm 2017, anh Nguyễn Đại Hưng đầu tư vốn xây hồ và nuôi cá chình thương phẩm. Trước đây, anh vào tận Nha Trang mua giống cá chình với giá 1,6 triệu đồng/kg giống (đối với loại 20 con/kg) và 3 triệu đồng/kg giống (loại 100 con/kg). Đồng thời anh đầu tư 21 triệu đồng xây dựng hồ nuôi trùn quế làm thức ăn cho cá chình.

Anh Hưng cho biết: “Nhờ nuôi trùn quế nên tôi đã đảm bảo cơ bản thức ăn cho cá chình, vợ tôi chỉ cần mua thêm ít cá vụn rẻ tiền bổ sung nữa là đủ. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá chình và nuôi trùn quế cho những ai muốn quan tâm tìm hiểu, học hỏi”.

Tại thời điểm này, anh Hưng đang nuôi tại hồ 500 con cá chình, con lớn có trọng lượng lên đến gần 5kg. Trong giai đoạn đầu thu hoạch, gia đình anh đã bán ra thị trường hơn 40kg cá chình thương phẩm với giá bán 600 nghìn đồng/kg, cho thu nhập hơn 24 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Châu (cán bộ phụ trách nông - lâm nghiệp xã Tam Sơn) cho biết, những năm gần đây, kinh tế vườn, kinh tế trang trại ở miền núi Tam Sơn phát triển khá mạnh và đều khắp. Phong trào có sức lan tỏa rộng rãi trong giới trẻ và đã được Nhà nước, các hội đoàn thể hỗ trợ, động viên.

Hiện nay, toàn xã có hơn 10 trang trại trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi và 7 trại heo. Thu nhập bình quân hàng năm của mỗi trang trại khoảng 100 triệu đồng. Đó là chưa kể những trại heo nhỏ lẻ của các hộ dân nằm rải rác trên địa bàn xã Tam Sơn cũng có thu nhập cao.

VĂN PHIN