Hiệu quả từ hỗ trợ liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi
(QNO) - Hơn 3 năm qua, nhờ cơ chế hỗ trợ thiết thực của tỉnh, các hợp tác xã (HTX) và nông dân trên địa bàn Quảng Nam đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp xây dựng hàng loạt mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay, thực hiện Nghị quyết số 17 (ngày 17/12/2019) của HĐND tỉnh và Quyết định số 291 (ngày 22/1/2020) của UBND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Quảng Nam, vụ đông xuân 2022 – 2023 này các đơn vị liên quan của thị xã tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ HTX Nông nghiệp Điện Hồng 1 triển khai dự án liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Theo ông Chơi, đông xuân năm nay HTX Nông nghiệp Điện Hồng 1 liên kết với Công ty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng tổ chức cho nông dân địa phương sản xuất 20ha hạt giống lúa lai Việt Lai 20 và TH 3-4 theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ đầu ra của sản phẩm.
Thực hiện cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh và Quyết định số 291 của UBND tỉnh, ngày 8/2/2023 UBND thị xã Điện Bàn ban hành Quyết định số 521 phê duyệt hỗ trợ kế hoạch sản xuất và tiêu thụ hạt giống lúa lai đối với HTX Nông nghiệp Điện Hồng 1.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tổng kinh phí đầu tư dự án liên kết sản xuất này là 555,4 triệu đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 247,6 triệu đồng, gồm: phân bón 102,6 triệu đồng, tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác 28 triệu đồng, khuyến khích tiêu thụ sản phẩm 117 triệu đồng.
“Đến thời điểm này, mô hình liên kết sản xuất hạt giống lúa lai giữa HTX Nông nghiệp Điện Hồng 1 và Công ty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Hải Phòng đã mang lại thắng lợi lớn. Thực tế cho thấy, năng suất bình quân 1ha lúa giống đạt hơn 60 tạ, doanh nghiệp thu mua sản phẩm với mức giá 26 nghìn đồng/kg thì tổng giá trị đạt gần 160 triệu đồng/ha/vụ. Sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, nông dân lãi ròng 80 - 100 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 4 lần so với làm lúa thương phẩm” - ông Nguyễn Đức Chơi nói.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, để việc thực hiện Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh mang lại kết quả khả quan, thời gian qua ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành một số văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng và triển khai những dự án, kế hoạch liên kết sản xuất. Đồng thời, tổ chức lớp tập huấn phổ biến các nội dung liên quan và giải đáp những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện của các chủ đầu tư, chủ trì liên kết.
Mới đây, tại hội nghị đánh giá tình hình sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2022 – 2023, ông Trương Xuân Tý – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thông tin, năm 2023 UBND tỉnh phân bổ thêm 21 tỷ đồng (gồm vốn sự nghiệp 10 tỷ đồng, vốn đầu tư phát triển 11 tỷ đồng) để ngành liên quan và chính quyền các địa phương tiếp tục triển khai cơ chế này.
Theo ông Tý, tính đến nay, UBND tỉnh đã phân bổ 70 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh (35 tỷ đồng vốn sự nghiệp và 35 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển) cho các địa phương thực hiện Nghị quyết số 17 của HĐND tỉnh.
Những năm qua, trên địa bàn Quảng Nam đã có 69 dự án, kế hoạch liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị được phê duyệt. Trong đó, có 1 dự án liên kết cấp tỉnh được UBND tỉnh ủy quyền Sở NN&PTNT phê duyệt, còn lại 68 dự án do UBND cấp huyện phê duyệt.
Số dự án, kế hoạch nêu trên thu hút 68 HTX và 64 doanh nghiệp làm chủ trì liên kết và có 16.043 hộ nông dân tham gia thực hiện ở lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Nhìn chung, hầu hết dự án, kế hoạch liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đều mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là giúp người dân ổn định đầu ra các mặt hàng nông sản chủ lực, hạn chế tình trạng được mùa mất giá - được giá mất mùa...