Hướng đến xây dựng thủ phủ cây dược liệu giống

H.ĐẠO - H.QUÂN - V.TÂY 11/05/2023 16:51

(QNO) – Dự án xây dựng trung tâm nhân giống bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao tại Nam Trà My được kỳ vọng sẽ góp phần hiện thực giấc mơ trở thành thủ phủ về cây dược liệu nâng cao đời sống kinh tế của người dân ở vùng cao Nam Trà My.

Nam Trà My có điều kiện tự nhiên và địa hình phù hợp để trồng và phát triển nhiều cây dược liệu. Ảnh: PV
Nam Trà My có điều kiện tự nhiên và địa hình phù hợp để phát triển nhiều cây dược liệu quý. Ảnh: PV

Cấp thiết bảo tồn giống dược liệu

Theo nghiên cứu của Viện Dược liệu, Nam Trà My là huyện vùng núi có điều kiện tự nhiên và địa hình phù hợp để trồng và phát triển nhiều cây dược liệu như sâm bảy lá, giảo cổ lam, đương quy, lan kim tuyến… và đặc biệt sâm Ngọc Linh.

Hiện nay trên địa bàn huyện có 11 tổ chức, cá nhân thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích hơn 246,8ha và đã trồng gần 29ha. UBND huyện Nam Trà My đã phê duyệt hồ sơ thuê môi trường rừng cho 29 nhóm hộ với 453 hộ gia đình để trồng gần 429ha sâm Ngọc Linh. Hai đơn vị là Trung tâm sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam và Trung tâm sâm Ngọc Linh Nam Trà My đã trồng tổng cộng hơn 133,3ha sâm Ngọc Linh.

Thêm vào đó, từ nguồn hỗ trợ của nhà nước, người dân đã trồng khoảng 90ha các loại dược liệu như giảo cổ lam, lan kim tuyến, bảy lá một hoa, chè dây, khổ qua rừng. Nghị quyết số 40 HĐND tỉnh đã hỗ trợ trồng tập trung 123ha, phân tán 165ha, trồng xen 71ha cây quế Trà My.

Hiện Trạm dược liệu Trà Linh (thuộc Trung tâm sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam) và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Nam Trà My đã, đang sản xuất và cung cấp cây giống dược liệu, với công suất trung bình khoảng 2,5-3 triệu cây giống/năm, chủ yếu là sâm Ngọc Linh, quế, đảng sâm.

Trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao khi triển khai sẽ là cú huých lớn góp phần thay đổi kinh tế rừng ở Nam Trà My. Ảnh: PV
Trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao khi triển khai sẽ là cú huých lớn góp phần thay đổi kinh tế rừng ở Nam Trà My. Ảnh: PV

TS. Phan Thúy Hiền – Phó Viện trưởng Viện Dược liệu đánh giá: “Số lượng cây giống được gieo ươm sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế trong nhân dân và xuất bán cho các tỉnh thành khác. Cạnh đó, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào gieo trồng, sản xuất dược liệu và việc bảo tồn, phát triển nguồn gen chưa được đầu tư. Trong đó, nguồn giống chủ yếu lấy từ tự nhiên nên không có sự đồng đều; phương pháp gieo giống chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân, chưa có quy trình chuẩn”.

Cũng theo TS. Phan Thúy Hiền, việc xây dựng Trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao tại Nam Trà My là rất cần thiết, đảm bảo công suất trung bình hơn 100 triệu cây giống/năm. Qua đó, thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu, giảm áp lực khai thác tự nhiên và tạo nguồn giống chất lượng.

Nam Trà My vẫn chưa khai thác hết tiềm năng về sản xuất giống cây dược liệu. Ảnh: PV
Nam Trà My vẫn chưa khai thác hết tiềm năng về sản xuất giống cây dược liệu. Ảnh: PV

Cần cân nhắc kỹ dự án sản xuất trên đất rừng

Trên cơ sở định hướng của địa phương, các đánh giá về thổ nhưỡng, nước tưới và điều kiện mặt bằng không nằm trong rừng tự nhiên, thuận tiện việc đi lại, Viện Dược liệu chọn 2 vị trí tại xã Trà Linh và Trà Nam để xây dựng Trung tâm nhân giống, bảo tồn và phát triển dược liệu ứng dụng công nghệ cao. Dự kiến tổng diện tích quy hoạch xây dựng trung tâm này khoảng 53,8ha.

Trong đó, xây dựng nhà điều hành, nhà lưới công nghệ cao và vườn giống gốc cho dược liệu phù hợp vùng núi thấp ở Trà Nam, với diện tích khoảng 3,5ha. Xây dựng vườn giống gốc cho dược liệu phù hợp với độ cao hơn 1.000m ở Trà Linh, với diện tích khoảng 50,3ha. Khi đưa vào hoạt động, trung tâm sẽ ưu tiên phát triển 19 loại dược liệu có giá trị cao và 15 loại dược liệu tiềm năng.

[VIDEO] - Tiềm năng kinh tế từ cây dược liệu:

Tuy nhiên, vẫn còn đó những băn khoăn được đặt ra liên quan công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, vấn đề môi trường, quyền lợi của người dân.

Bí thư Huyện ủy Nam Trà My Lê Thanh Hưng khẳng định, Nam Trà My luôn mong muốn làm sao người dân sống trên rừng, bảo vệ rừng và thật sự hưởng lợi từ rừng. Nếu xây dựng được vườn cây dược liệu quy mô lớn, áp dụng kỹ thuật cao thì có thể cung ứng cây giống cho cả huyện và các địa phương khác thì hằng năm có thể thay thế dần các loại cây cây ngắn ngày không có giá trị ở đồi núi trọc, nương rẫy.

“Cần nghiên cứu kỹ lưỡng các giải pháp về chính sách, vốn, cơ sở hạ tầng… trong đề án này. Nhất là các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tránh việc vướng mắc thủ tục, tính pháp lý liên quan đến sản xuất trên đất rừng.

Đơn cử như việc nếu tiến hành làm khu vực gieo ươm giống với diện tích 20ha thì có khả thi không khi sẽ phải xây dựng các công trình trong rừng. Ngoài ra, mô hình hoạt động cho trung tâm này cũng cần giải quyết theo hướng kêu gọi doanh nghiệp cùng đầu tư…” – ông Lê Thanh Hưng băn khoăn.

H.ĐẠO - H.QUÂN - V.TÂY