Đề tài khoa học & công nghệ cấp huyện: Ứng dụng hiệu quả vào đời sống

TRIÊU NHAN 28/04/2023 08:56

Ưu tiên phát triển sản phẩm đặc hữu bản địa, chú trọng cây con chủ lực và phát huy thế mạnh của địa phương, từng bước hỗ trợ người dân thoát nghèo, phát triển kinh tế là hướng đi trong triển khai đề tài khoa học & công nghệ cấp huyện ở Quảng Nam.

Huyện Nông Sơn chú trọng ứng dụng KH&CN phát triển các sản phẩm đặc hữu từ bưởi trụ Đại Bình. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Huyện Nông Sơn chú trọng ứng dụng KH&CN phát triển các sản phẩm đặc hữu từ bưởi trụ Đại Bình. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Phát triển sản phẩm đặc hữu

Giai đoạn 2020 - 2023, danh mục các đề tài/dự án khoa học & công nghệ (KH&CN) cấp huyện trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung theo hướng triển khai các mô hình ứng dụng ưu tiên gắn với hỗ trợ xây dựng một số tiêu chí trong “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP…

Trong đó, chú trọng đầu tư phát triển các thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, đặc sản bản địa. Điển hình, các năm 2021, 2022, tại Quảng Nam triển khai các đề tài “Ứng dụng khoa học kỹ thuật để xây dựng mô hình chế biến măng chua sấy” (Bắc Trà My); “Ứng dụng KH&CN để nhân rộng đàn lợn cỏ Quảng Nam theo hướng sinh sản” (Hiệp Đức); Ứng dụng công nghệ sản xuất rượu bưởi Đại Bình huyện Nông Sơn”, “Xây dựng mô hình trồng cây gừng liên kết sản phẩm đầu ra cho nông dân trên địa bàn huyện Nông Sơn”; “Ứng dụng KH&CN vào sản xuất sản phẩm chuỗi giá trị từ bưởi trụ lông Đại Bình trên địa bàn huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam”; “Xây dựng mô hình nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản rau sen Đại Bình, Nông Sơn”...

Tại Hiệp Đức, theo ông Nguyễn Ngọc Hoàng Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện, ngành KH&CN cấp huyện thời gian qua xây dựng 3 nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ, gồm nấm Nhì Tây, chè xanh Mỹ Thạnh, rượu Cần Dân Tộc Sông Trà; đồng thời phát triển thành sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP.

Địa phương hỗ trợ các chủ thể tham gia kênh tiêu thụ có giá trị, dự hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để nâng cao giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập và góp phần vào phát triển, hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn huyện...

Đầu tư có trọng điểm

Theo ông Nguyễn Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn, hoạt động ứng dụng KH&CN trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo sức hút lan tỏa. Từ thực tiễn, xuất hiện các mô hình như trồng bưởi da xanh, cây chuối cấy mô tại xã Quế Phong đã đem lại hiệu quả ban đầu.

Các dự án ứng dụng KH&CN những năm qua cũng được huyện theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn triển khai nhân rộng mô hình, lồng ghép các nguồn vốn chương trình nông thôn mới để phát triển.

Có thể kể đến dự án “Phục tráng giống lúa nếp đắng thôn Lộc Đại, xã Quế Hiệp” (kết thúc năm 2020) được nhân dân ủng hộ và tích cực mở rộng mô hình theo quy trình sản xuất được đúc kết và chuỗi liên kết phát triển sản phẩm OCOP của huyện. Hay như địa phương đã thực hiện công tác quản lý nhãn hiệu hàng hóa về sử dụng nhãn hiệu tập thể “Gà tre Đèo Le”...

Cũng theo ông Châu, trong năm 2022, UBND huyện đã tiếp nhận đề tài đề nghị chuyển giao “Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất gói gia vị dinh dưỡng nhằm nâng cao hiệu quả cho sản xuất sản phẩm phở sắn truyền thống trên địa bàn huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam” cho Công ty CP Caromi từ đề tài nghiên cứu thành công của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng.

“Năm 2023, huyện đề xuất UBND tỉnh, Sở KH&CN có hướng hỗ trợ, quan tâm ưu tiên triển khai các nhóm đề tài phục vụ mục tiêu phát triển của địa phương như: Ứng dụng KH&CN thực hiện trồng rừng gỗ lớn gắn với đầu tư phát triển cây dược liệu dưới tán rừng trên địa bàn huyện; Ứng dụng KH&CN thực hiện đề tài phát triển chăn nuôi bền vững gà ta địa phương gắn với sử dụng, quản lý, phát triển nhãn hiệu “Gà Tre Đèo Le” Quế Sơn. Cùng với đó là nhóm đề tài liên quan đến chiết xuất dược liệu; chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng nấm năng suất cao; mô hình trồng cây ăn quả nuôi cấy mô...” - ông Nguyễn Minh Châu chia sẻ.

TRIÊU NHAN