Quế Sơn đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi
HTX cùng người dân trên địa bàn huyện Quế Sơn đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi và sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định đầu ra sản phẩm.
Hợp tác chăn nuôi heo
Đầu năm 2018, HTX Trung Toàn Phát (xã Quế Mỹ, Quế Sơn) được thành lập với 9 thành viên. HTX xây dựng trang trại nuôi heo khép kín đảm bảo an toàn sinh học trên diện tích 4.440m2 với kinh phí đầu tư 2 tỷ đồng tại địa bàn thôn An Phú.
Ông Đặng Ngọc Trung - Giám đốc HTX Trung Toàn Phát cho biết, sau khi hệ thống trại lạnh thi công hoàn chỉnh, đơn vị tiến hành ký kết hợp đồng nuôi heo thịt gia công với Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam. Trong đó, HTX chịu trách nhiệm về cơ sở hạ tầng sản xuất và công nuôi dưỡng, chăm sóc.
Còn phía doanh nghiệp đảm trách việc cung cấp con giống, thức ăn, vắc xin tiêm phòng, hóa chất phun tiêu độc khử trùng và cắt cử đội ngũ cán bộ kỹ thuật theo sát quá trình chăm sóc. Đặc biệt, đầu ra của sản phẩm hoàn toàn do công ty lo liệu.
“Trong 5 năm qua, bình quân mỗi năm HTX Trung Toàn Phát liên kết với Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam thả nuôi hai lứa heo thịt, mỗi lứa khoảng 850 - 900 con với thời gian nuôi là 5,5 tháng. Trừ chi phí, hằng năm HTX lãi ròng khoảng 500 triệu đồng” - ông Trung nói.
Ngoài mô hình của HTX Trung Toàn Phát, hiện nay tại thôn An Phú còn có 3 trang trại nuôi heo thịt theo phương thức liên kết chuỗi giá trị giữa người dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tiến Trung - Phó ban Nông nghiệp xã Quế Mỹ cho hay, bình quân mỗi lứa 1 trang trại thả nuôi từ 400 - 900 con heo thịt và hằng năm mức lợi nhuận người dân thu về từ 200 - 500 triệu đồng, tùy theo số lượng heo thả nuôi của mỗi trang trại.
Ông Trần Vũ Tánh - Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn thông tin, ngoài 4 trang trại ở xã Quế Mỹ, tại một số địa phương khác của huyện cũng có 3 - 4 mô hình liên kết nuôi heo thịt với quy mô vừa và lớn đang hoạt động hiệu quả...
Liên kết sản xuất lúa
Ông Đoàn Ngộ ở thôn Trung Vĩnh (xã Quế Xuân 1, Quế Sơn) cho biết, những năm qua, thông qua HTX Nông nghiệp Quế Xuân 1, gia đình ông liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam sản xuất hạt giống lúa thuần Thiên ưu 8 với diện tích tương đối lớn và hiệu quả mang lại khá cao.
Riêng đông xuân năm nay, ông Ngộ hợp tác với công ty sản xuất 7 sào giống lúa thuần Thiên ưu 8. Nhờ nguồn giống có chất lượng tốt, nước tưới đảm bảo, áp dụng bài bản quy trình thâm canh do cơ quan chuyên môn hướng dẫn nên hầu hết ruộng lúa đều được mùa.
“Theo ước tính, vụ này sản xuất 1 sào giống lúa thuần Thiên ưu 8, tôi thu về khoảng 3 - 3,2 triệu đồng. Còn nếu làm lúa thường thì chỉ đạt từ 1,8 - 2 triệu đồng/sào” - ông Ngộ chia sẻ.
Ông Ngô Chí Cường - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Quế Xuân 1 cho hay, đông xuân 2022 - 2023 đơn vị liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam tổ chức cho 460 hộ dân trên địa bàn các thôn Trung Vĩnh, Xuân Phú, Dưỡng Mông, Phù Sa, Thạnh Hòa sản xuất 50ha hạt giống lúa thuần Thiên ưu 8. Đồng thời, phối hợp với Công ty CP Giống cây trồng - vật nuôi Thừa Thiên Huế canh tác 50ha lúa thương phẩm chất lượng cao ĐT100 với sự tham gia của khoảng 450 hộ dân ở các thôn Dưỡng Xuân, Xuân Phú, Dưỡng Mông...
Ông Cường cho biết, thực hiện Nghị quyết số 17 (ngày 17/12/2019) của HĐND tỉnh về “Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Quảng Nam”, đông xuân năm nay các đơn vị liên quan của huyện Quế Sơn cùng HTX Nông nghiệp Quế Xuân 1 tiến hành tập huấn chuyển giao kỹ thuật tiên tiến và hỗ trợ một phần chi phí mua hạt giống lúa, phân bón... cho nông dân có điều kiện sản xuất với mức gần 115 nghìn đồng/sào/vụ.
“Khảo sát thực tế cho thấy, vụ này bình quân 1ha hạt giống lúa thuần Thiên ưu 8 cho người dân mức thu nhập khoảng 58,5 - 60 triệu đồng và 1ha lúa thương phẩm chất lượng cao ĐT100 cho giá trị khoảng 45 - 47 triệu đồng. Trong khi đó, nếu gieo sạ lúa thường, nông dân chỉ thu được chừng 40 triệu đồng/ha/vụ” - ông Cường nói.
Ông Lưu Văn Thành - Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, vụ đông xuân này, một số công ty ở trong và ngoài tỉnh liên kết với các HTX nông nghiệp của xã Quế Xuân 1, Quế Xuân 2, Quế Phú, thị trấn Hương An tổ chức cho hàng nghìn hộ dân sản xuất 215ha hạt giống lúa thuần và 225ha lúa thương phẩm chất lượng cao theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm. Việc liên kết này giúp thu nhập của nông dân tăng thêm từ 7,5 - 16 triệu đồng/ha/vụ so với sản xuất thông thường...