Được mùa trên đất nghèo dinh dưỡng
Vụ đông xuân năm nay ngành nông nghiệp các huyện Quế Sơn và Thăng Bình phối hợp với doanh nghiệp đưa giống lúa mới TBR97 vào sản xuất khảo nghiệm trên một số chân ruộng nghèo dinh dưỡng, hiệu quả bước đầu khá cao.
Triển vọng giống lúa mới
Nhìn ruộng lúa trĩu bông chín vàng óng, ông Lê Tấn Quang ở thôn Lãnh An (xã Quế Long, Quế Sơn) nói: “Đông xuân này, nhờ đưa giống lúa mới TBR97 vào sản xuất, gia đình tôi và một số hộ dân khác trong vùng có một mùa bội thu”.
Ông Quang cho biết, gia đình có 5,5 sào đất lúa. Đầu vụ đông xuân năm nay, được Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Quế Sơn và Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên tập huấn chuyển giao quy trình kỹ thuật, ông đưa giống lúa thuần mới TBR97 vào gieo sạ trên 3 sào đất cát phèn, nghèo dinh dưỡng.
Theo ông Quang, mặc dù vụ này thời tiết diễn biến phức tạp nhưng lúa đẻ nhánh khỏe, sinh trưởng tốt. Qua theo dõi, cả 3 sào lúa rất ít bị sâu bệnh gây hại, không thấy xuất hiện 3 đối tượng nguy hiểm gồm rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn.
“Những năm qua, sản xuất các giống lúa thuần khác trong vụ đông xuân, bình quân 1 sào tôi chỉ thu hoạch được 250 - 300kg. Còn mùa này, canh tác giống lúa thuần TBR97, tôi chắc chắn đạt 350kg/sào” - ông Lê Tấn Quang chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Châu - chuyên viên Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Quế Sơn cho biết, nhằm tìm ra giống lúa mới có khả năng kháng được một số đối tượng sâu bệnh, cho năng suất cao, chất lượng gạo tốt để bổ sung vào cơ cấu giống của địa phương, đầu vụ đông xuân 2022 - 2023 đơn vị phối hợp với UBND xã Quế Long và Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên khảo sát địa điểm, chọn các hộ dân tham gia, tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật rồi triển khai mô hình sản xuất trình diễn giống lúa thuần TBR97 trên 1ha đất tại thôn Lãnh An.
Diện tích trên xuống giống vào ngày 30/12/2022. Qua theo dõi, hầu hết ruộng lúa phát triển mạnh, ít bị nhiễm sâu bệnh, lúa bắt đầu trổ từ ngày 19/3/2023 và kéo dài 5 - 7 ngày. Độ thoát cổ bông tốt, độ tàn của lá muộn, dạng bông ngắn và đóng hạt dày, hạt lúa dài có màu vàng sáng, cây lúa thấp và cứng nên không bị ngã đổ.
Thời gian sinh trưởng của các ruộng sản xuất khảo nghiệm giống lúa thuần TBR97 tại thôn Lãnh An trong vụ này là 108 ngày. Gặt thống kê cho thấy, năng suất lúa bình quân đạt 70 tạ/ha, tăng 5 - 10 tạ/ha so với những ruộng gieo sạ bằng một số loại giống lúa thuần khác trên cùng cánh đồng và cùng chế độ thâm canh.
Ông Hồ Ngọc Quảng - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình cho hay, đông xuân năm nay đơn vị cũng phối hợp với Công ty TNHH ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật và hỗ trợ một số hộ dân ở thôn Đồng Dương (xã Bình Định Bắc) canh tác trình diễn giống lúa thuần TBR97 trên 1ha đất pha cát, thịt nhẹ.
Hầu hết ruộng lúa TBR97 sinh trưởng khỏe, đẻ nhánh khá. Ruộng lúa của mô hình chỉ bị sâu cuốn lá nhỏ gây hại rải rác với mức độ thấp và nhiễm nhẹ rầy nâu, bệnh đốm nâu. Còn các bệnh khác như đạo ôn, khô vằn, bạc lá, thối thân... không phát sinh.
“Năng suất của các ruộng lúa TBR97 đạt khoảng 64 - 65 tạ/ha, tăng 2 - 3 tạ/ha so với sản xuất giống lúa KD18 trên cùng xứ đồng. Nếu thâm canh trên chân đất có độ phì khá hơn thì nhiều khả năng giống lúa TBR97 cho năng suất 65 - 70 tạ/ha” - ông Quảng nói.
Hỗ trợ nhân rộng
Ông Lê Minh Thự - Trưởng thôn Lãnh An (xã Quế Long, Quế Sơn) cho biết, mỗi vụ, 222 hộ dân của thôn sản xuất khoảng 56ha lúa. Trong đó có gần 50% là đất nghèo dinh dưỡng, năng suất thấp. Với hiệu quả thiết thực từ mô hình sản xuất trình diễn giống lúa thuần TBR97 ở vụ đông xuân 2022 - 2023, nhiều nông dân địa phương kiến nghị các ngành, các cấp quan tâm hỗ trợ mở rộng diện tích canh tác giống lúa này trong những mùa tới.
Ông Lê Công Nguyên - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Quế Sơn cho hay, mỗi vụ nông dân ở 13 xã, thị trấn của huyện gieo sạ khoảng 3.500 - 3.600ha lúa; trong đó, có khoảng 1.700 - 1.800ha là đất bạc màu, tập trung chủ yếu ở các xã Quế Mỹ, Quế Thuận, Quế Châu, Quế Hiệp, Quế An, Quế Minh, Quế Long, Quế Phong.
“Giống lúa thuần TBR97 thích nghi với nhiều chân đất, nhất là trên các ruộng nghèo dinh dưỡng nên những vụ tới ngành nông nghiệp huyện và các địa phương sẽ vận động, tuyên truyền, hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích canh tác. Nếu giống lúa này tiếp tục mang lại hiệu quả cao, sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung vào cơ cấu sản xuất của huyện” - ông Nguyên nói.
Còn ông Nguyễn Xuân Cẩm - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Thăng Bình cho biết, mỗi vụ nông dân toàn huyện gieo sạ 8.100 - 8.200ha lúa. Trong đó, diện tích đất cát pha, bạc màu ở vùng tây khoảng 2.500ha và vùng đông hơn 1.200ha.
Trước mắt, vụ hè thu 2023 sắp tới, cơ quan chuyên môn của huyện sẽ tiếp tục phối hợp với phía doanh nghiệp nhân rộng mô hình sản xuất khảo nghiệm giống lúa thuần TBR97, nhất là trên các chân ruộng nghèo dinh dưỡng.
Trên cơ sở đó, sẽ đánh giá sát đúng tính thích nghi, khả năng kháng các loại sâu bệnh, tiềm năng năng suất của giống lúa này. Nếu kết quả khả quan, ngành nông nghiệp huyện sẽ có kế hoạch sản xuất phù hợp ở từng vùng...