Chủ động phòng trừ bệnh hại nguy hiểm trên cây đậu phụng
(QNO) - Hiện nay, phần lớn diện tích đậu phụng vụ đông xuân ở các địa phương của tỉnh đang trong giai đoạn phân cành, ra hoa - đâm tia, tạo quả. Thế nhưng, thời gian gần đây, một số loại bệnh nguy hiểm đã phát sinh và gây hại với mức độ ngày càng nặng. Ngành chuyên môn khuyến cáo nhà nông chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ để giảm thiểu thiệt hại.
Ông Trần Văn Lưu - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Nông Sơn cho biết, đông xuân này nông dân trên địa bàn 6 xã của huyện canh tác 198ha đậu phụng. Những ngày qua, các bệnh thối gốc mốc trắng, héo rũ gốc mốc đen, héo xanh vi khuẩn... phát sinh gây hại khoảng 14 sào đậu phụng gieo tỉa muộn ở các xã Quế Lộc và Quế Lâm.
“Qua kiểm tra, những ruộng đậu phụng bị nhiễm các bệnh nêu trên với tỷ lệ trung bình khoảng 2%, nơi cao 10%. Để ngăn chặn nấm bệnh phát sinh trên diện rộng, đơn vị đã cắt cử nhiều cán bộ kỹ thuật về các địa phương phối hợp với cán bộ nông nghiệp xã và đội ngũ khuyến nông viên cơ sở tăng cường giám sát đồng ruộng nhằm kịp thời nắm bắt tình hình sâu bệnh gây hại đậu phụng. Từ đó, tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân triển khai hiệu quả các biện pháp phòng trừ” - ông Lưu nói.
Ông Trần Văn Lưu khuyến cáo nông dân tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục, có thể trộn thêm với các chế phẩm sinh học chứa vi sinh vật có ích như nấm đối kháng Trichoderma để cân đối dinh dưỡng và phòng bệnh cho cây đậu phụng. Tranh thủ thời tiết nắng ấm, khi đất khô ráo cần xới xáo, phá váng để tạo độ thoáng cho đất, kết hợp bón cân đối phân N-P-K, không bón quá nhiều phân đạm nhằm giúp cây đậu tăng khả năng chống chịu.
Theo ông Lưu, đối với bệnh thối hạch, thường xuyên thăm đồng để sớm phát hiện bệnh, nhất là thời điểm nhiệt độ xuống dưới 20 độ C. Khi cần thiết, dùng các loại thuốc có hoạt chất Iprodione (Rovral 50WP, Prota 50WP, 750WG) phun trừ.
Đối với bệnh thối gốc mốc trắng và mốc đen, cần bón phân thúc kịp thời, kết hợp với làm cỏ, lên luống, xới xáo phá váng. Khi cần thiết, dùng các loại thuốc có hoạt chất Metalaxyl (Mataxyl 25WP, Ridomin Gold 68 WG) hoặc Aliette 800WG phun trừ.
Trong khi đó, đối với bệnh lở cổ rễ và chết cây con, nhà nông cần theo dõi và phát hiện bệnh sớm. Nếu bệnh phát sinh gây hại thì dùng một trong các loại thuốc sau để phun trừ, gồm Monceren 250SC, Validacin 3 - 5L, Anvil 5 SC...
“Còn đối với bệnh héo xanh vi khuẩn, khi thời tiết nắng ấm, khả năng bệnh này sẽ phát sinh gây hại mạnh trên cây đậu phụng và một số cây thuộc họ bầu bí. Do đó, nông dân cần tăng cường các biện pháp tiêu thoát nước, xới váng, thu gom tiêu hủy những cây bị bệnh. Có thể phun phòng bằng các loại thuốc như Kasumin 2L, New Kasuran 16.6 BTN, Xanthomix 20WP, Staner 20WP” - ông Lưu nói thêm.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, vụ đông xuân 2022 - 2023, nông dân toàn tỉnh gieo trồng 6.967ha đậu phụng, chủ yếu sử dụng các giống đậu sẻ Tây Nguyên, L14, L23, Tứ Quý. Trong đó, những địa phương có diện tích nhiều là Thăng Bình 1.814ha, Điện Bàn 817ha, Đại Lộc 770ha, Quế Sơn 752ha, Núi Thành 700ha, Duy Xuyên 662ha, Phú Ninh 633ha...
Thời điểm này, hầu hết ruộng đậu phụng đang trong thời kỳ phân cành, ra hoa - đâm tia, tạo quả. Riêng một ít diện tích đậu phụng gieo tỉa sớm, hiện nay trái đã già.
Tuy nhiên, những ngày qua, tại không ít địa phương của tỉnh, một số loại bệnh nguy hiểm đã phát sinh trên nhiều ruộng đậu phụng. Theo Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam, bệnh thối gốc mốc trắng gây hại ở Nông Sơn, Điện Bàn, Quế Sơn, Đại Lộc... với tỷ lệ bệnh trung bình 1 - 2%, nơi cao 10 - 20%. Tổng diện tích nhiễm bệnh này là 21,5ha, trong đó riêng tại Đại Lộc có 21ha nhiễm bệnh nặng.
Đáng chú ý, bệnh thối hạch phát sinh gây hại mạnh ở Đại Lộc. Đến nay, tại huyện này đã có 36ha đậu phụng bị nhiễm bệnh nặng, trong khi đó cùng kỳ năm trước không có diện tích nhiễm bệnh. Cạnh đó, bệnh héo rũ gốc mốc đen gây hại ở Duy Xuyên, Điện Bàn, Nông Sơn, Tam Kỳ, Quế Sơn… với diện tích nhiễm bệnh khoảng 13ha (thời điểm này năm trước không có diện tích nhiễm).
Ngoài ra, bệnh héo xanh vi khuẩn cũng xuất hiện ở Núi Thành và Duy Xuyên, bệnh chết cây đang gây hại tại Thăng Bình với tỷ lệ bệnh trung bình từ 3 - 5%, nơi cao 5 - 10%.