Phòng trừ dịch hại cây trồng
Trước, trong và sau tết, nhiều loại sâu bệnh bùng phát gây hại cây trồng vụ đông xuân trên diện rộng. Ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân ra đồng ruộng, chủ động triển khai hiệu quả các biện pháp phòng trừ nhằm hạn chế thiệt hại.
Sâu bệnh phát sinh
Ông Nguyễn Hoa (thôn Hòa Lâm, xã Duy Trung, Duy Xuyên) cho biết, cuối tháng 12/2022, ông gieo sạ 3 sào lúa đông xuân. Trong vòng 1 tháng qua, do mưa lạnh nhiều đợt nên ruộng lúa sinh trưởng kém. Ngay sau tết, vợ chồng ông tập trung tỉa dặm, bón thúc phân để cây lúa phục hồi và phát triển.
“Mấy ngày gần đây, ốc bươu vàng, bọ trĩ, ruồi đục nõn... phát sinh trên hầu hết diện tích lúa với mật độ ngày càng cao. Tôi khẩn trương mua các loại thuốc đặc hiệu về phun trừ. Thời điểm này, nếu lơ là ruộng đồng, sâu bệnh bùng phát mạnh thì mùa màng rất dễ thất bát” – ông Hoa nói.
Ông Trần Huy Tường – Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên thông tin, đông xuân 2022 – 2023, nông dân địa phương canh tác hơn 3.500ha lúa. Từ trước tết đến nay, thời tiết diễn biến bất lợi khiến cây lúa phát triển chậm và tính đến ngày 31/1 nhà nông mới tỉa dặm được khoảng 70% diện tích.
Ngoài chuột bùng phát diện rộng, nhiều loại dịch hại nguy hiểm cũng phát sinh trên các đồng lúa non. Toàn huyện có 30ha lúa bị ốc bươu vàng cắn phá, 10ha lúa bị nhiễm ruồi đục nõn và bọ trĩ cũng gây hại rải rác tại nhiều nơi. Có 22ha đậu phụng bị nhiễm bệnh lở cổ rễ.
Tại huyện Quế Sơn, hiện 3.600ha lúa đông xuân đang giai đoạn tỉa dặm và đẻ nhánh. Tuy nhiên, sâu cuốn lá nhỏ đã phát sinh trên ruộng lúa nước trời với mật độ 2 – 4 con/m2 và bọ trĩ xuất hiện trên ruộng lúa chủ động nước với mật độ 400 - 500 con/m2, nơi cao 700 - 1.000 con/m2.
Cả 2 đối tượng dịch hại này cùng ốc bươu vàng, sâu phao, chuột… cũng gây hại rải rác trên hàng loạt đồng lúa ở nhiều địa phương. Đáng lo ngại là bệnh khảm lá sắn gây hại diện rộng trên các giống PLT01, KM94 với tỷ lệ cây bị bệnh từ 10 - 20%, nơi cao 30 - 50%.
Ông Lưu Văn Thành – Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, trong tổng số 1.492ha sắn toàn huyện đã có 590ha bị nhiễm bệnh khảm lá, gồm: xã Quế Thuận 180ha, Quế Phong 100ha, Quế Long 60ha, Quế An 40ha, Quế Hiệp 50ha, Quế Châu 10ha, Quế Minh 70ha và thị trấn Đông Phú 80ha.
Theo ngành nông nghiệp, ngoài 102,5ha lúa bị chuột ăn hạt giống khi mới gieo sạ thì thời gian qua toàn tỉnh có 145,5ha lúa bị ốc bươu vàng gây hại; bệnh tuyến trùng rễ gây hại trên 15ha lúa chủ động nước tại Đại Lộc với tỷ lệ từ 3 - 15%; sâu cuốn lá nhỏ gây hại rải rác trên lúa nước trời ở Nông Sơn, Quế Sơn, Tiên Phước, Thăng Bình với mật độ trung bình 2 - 3 con/m2, nơi cao 5 - 10 con/m2. Bọ trĩ, ruồi đục nõn, sâu phao, rầy xanh đuôi đen… cũng gây hại ở nhiều địa phương.
Trên cây đậu phụng, bệnh lở cổ rễ, chết cây con, thối gốc mốc đen, thối gốc mốc trắng gây hại 41ha ở Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, Quế Sơn, Đại Lộc. Bệnh thối hạch gây hại 8ha đậu cô ve leo đang giai đoạn trái – thu hoạch ở Đại Lộc với tỷ lệ bệnh 10 - 15% và bệnh lở cổ rễ phát sinh trên 5ha đậu cô ve lùn trà muộn với tỷ lệ bệnh 5 - 10%. Còn trên cây bắp, sâu keo mùa thu, sâu ăn lá, sâu xám cũng phát sinh gây hại rải rác ở Đại Lộc, Điện Bàn, Nông Sơn.
Tập trung đối phó
Hiện ốc bươu vàng gây hại trên lúa đại trà và sẽ tiếp tục cắn phá trên lúa sạ muộn trong thời gian tới, cục bộ trên những chân ruộng trũng thấp sẽ có mật độ cao.
Bà Nguyễn Thị Sương – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Quảng Nam cho rằng, để hạn chế ốc bươu vàng phát sinh gây hại, tốt nhất nên áp dụng các biện pháp thủ công như diệt ổ trứng; nhặt, vợt bắt ốc trên ruộng, mương nước và tiêu diệt.
Khi mật độ ốc trên ruộng lúa cao, có thể dùng một số loại thuốc đặc hiệu để phun trừ. Cũng theo bà Sương, ngành chuyên môn và chính quyền cơ sở cần tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn nông dân diệt chuột bằng nhiều biện pháp như đặt bẫy và đánh bả bằng thuốc sinh học, hóa sinh.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo ngành chuyên môn tăng cường kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện kịp thời sự phát sinh của rầy nâu và rầy lưng trắng, đặc biệt chú ý ở những chân ruộng và vùng lúa nước trời sạ sớm.
Khi phát hiện rầy nâu và rầy lưng trắng với mật độ cao, có thể sử dụng một số loại thuốc đặc hiệu để phun trừ. Nếu rầy tuổi nhỏ (tuổi 1 - 2) thì ưu tiên sử dụng thuốc trừ rầy thuộc nhóm chống lột xác.
Theo nhận định, với tình hình thời tiết hiện tại và trong thời gian tới sẽ thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh trên các giống lúa nhiễm. Do vậy, đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp các cấp, khuyến nông viên cơ sở cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng (trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái) để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp xử lý thích hợp.
Với các loại cây trồng cạn và rau đậu, ông Nguyễn Xuân Vũ lưu ý những địa phương có diện tích trồng bắp lớn cần chủ động hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để có biện pháp xử lý sâu keo mùa thu kịp thời và hiệu quả.
Đối với sâu xám, sâu xanh, sâu khoang chuyên ăn lá và cắn thân, khi mật độ thấp nên dùng biện pháp thủ công như thu bắt, ngắt ổ trứng; chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ khi sâu có mật độ cao (phun lúc sâu tuổi nhỏ).
Về bệnh lở cổ rễ, cần theo dõi và phát hiện bệnh sớm, nếu bệnh phát sinh gây hại thì nên dùng một trong các loại thuốc sau để phun trừ như Monceren 250SC, Validacin 3L, Validacin 5L, Anvil 5 SC...
Đối với bệnh giả sương mai trên cây khổ qua, dưa leo, bầu, bí... cần ngắt bỏ các lá già, lá gốc, bộ phận bị bệnh để hạn chế lây lan. Khi có bệnh gây hại, dùng các loại thuốc có hoạt chất Metalaxyl (Mataxyl 25WP, Ridomin Gold 68 WG) hoặc Aliette 800WG để phòng trừ.