Làm gì để thay đổi tập quán canh tác?

LÊ MUỘN 29/01/2023 08:21

(Xuân Quý Mão) - Bây giờ ra chợ mua nông sản gì cũng sợ bị nhiễm hóa chất độc hại từ việc lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ. Tuy nhiên, thay đổi tập quán sản xuất của nông dân là không dễ.

Ảnh: HOÀNG THƠ
Ảnh minh họa: HOÀNG THƠ

Lạm dụng hóa chất

Chúng tôi không có số liệu thống kê lượng hóa chất bảo vệ thực vật (sau đây gọi tắt là hóa chất) và phân bón vô cơ dùng cho nông nghiệp Quảng Nam, chỉ có thể đánh giá qua theo dõi thực tế sản xuất.

Nhờ quy trình kỹ thuật canh tác lúa được phổ biến rộng khắp, nên thâm canh lúa của nông dân Quảng Nam khá tốt, ít lạm dụng hóa chất và phân bón vô cơ. Nhưng một số loại rau quả thực phẩm, tình trạng lạm dụng hóa chất và phân bón vô cơ rất phổ biến.

Một số vùng sản xuất, hóa chất cho nhóm cây này thường được phun định kỳ 7 - 10 ngày/ lần; nguy hiểm nhất là phun thuốc để bảo vệ lứa quả trên nhóm cây thực phẩm ăn quả như đậu đũa, đậu cô ve, dưa leo, khổ qua… nên có thể vài ba ngày sau đã hái lứa quả lớn để bán.

Theo Bộ NN&PTNT, những năm gần đây, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong nông nghiệp giảm dần. Năm 2021, dùng 45.000 tấn, giảm 6.900 tấn so với 2020. Trung bình hằng năm, nông dân sử dụng 1,7kg thuốc kỹ thuật/ha, tương đương 4,08kg thuốc thành phẩm/ha. Tuy nhiên, lượng hóa chất sử dụng trong thực tế có thể lớn hơn vì không thể thống kê số lượng nhập lậu.

Nông dân cũng sử dụng lượng đạm, NPK (phổ biến là loại 16:16:8) gấp 2 - 3 lần mức khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh dùng cho dưa hấu, ớt, dưa leo, khổ qua….

Dưa hấu trồng trên chân đất lúa trước thu hoạch 5 - 7 ngày, nông dân vẫn hòa phân NPK tưới đẫm rãnh dưa, phân thừa đến mức vụ lúa liền kề sạ trên đất trồng dưa hấu bị lốp đổ.

Nông dân được tập huấn, trực tiếp triển khai các mô hình khuyến nông sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, lượng hóa chất và phân bón vô cơ giảm rất nhiều mà năng suất không giảm, chất lượng và giá bán nông sản tăng. Nhưng khi mô hình khuyến nông kết thúc, nhiều người quay lại tập quán sản xuất cũ.

Có thể nông dân không hiểu tường tận việc lạm dụng hóa chất sẽ để lại nhiều hệ lụy về môi trường, đất đai, nhưng họ biết rõ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà vẫn tiếp tục thực hiện.

Nông sản tồn dư hóa chất độc hại và nhiễm vi sinh vật có hại sẽ bị người tiêu dùng trong nước quay lưng, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; bị hạ giá và sẽ đến lúc không bán được. Lạm dụng phân, thuốc hóa học càng nhiều, chi phí đầu tư càng tăng, giá thành nông sản tăng cao, lợi nhuận giảm. Nông dân cũng là người bị thiệt hại nặng nhất do giảm hiệu quả sản xuất.

Đâu là giải pháp?

Từ phân tích trên, rõ ràng chính nông dân là người phải thay đổi tập quán sản xuất. Nông dân thường nhìn vào lợi ích trước mắt nhưng nông sản an toàn bán ở chợ dân sinh không giúp họ có lợi hơn, là nguyên nhân chính trong việc khó chuyển đổi phương thức sản xuất. Vì thế, người tiêu dùng cũng cần sẵn sàng chọn mua nông sản an toàn để khuyến khích nông dân.

Không cực đoan với sử dụng hóa chất và phân bón vô cơ mà cần sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ liều lượng và đúng cách); bón phân theo đúng hướng dẫn, bón cân đối giữa hữu cơ và vô cơ.

Khó nhất là làm sao để hàng nghìn hộ nông dân sản xuất nhỏ canh tác theo hướng an toàn. Ngoài việc tuyên truyền, cần tổ chức cho nông dân vào các HTX, trước hết ở một số vùng chuyên canh rau quả thực phẩm, để HTX giám sát quy trình sản xuất và quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, liên kết sản xuất – tiêu thụ.

Mặt khác, cơ quan chức năng cần tăng cường hậu kiểm cả sản phẩm chứng nhận đạt chuẩn GAP hay hữu cơ, sản xuất đại trà tại ruộng và bày bán ở chợ, để người tiêu dùng có thể tin tưởng, chọn mua.

Trong đợt tham quan, học tập tại Đài Loan vào năm 2008, chúng tôi nhận thấy họ có cách làm đơn giản là ở các chợ đầu mối, có kho chung và chia ra từng ô cho các nhà phân phối bán lẻ, lấy mẫu để test nhanh định tính, phát hiện có hóa chất độc hại sẽ bị yêu cầu mang ra khỏi chợ, lấy mẫu kiểm tra định lượng.

Chuyển đổi tập quán sản xuất nông nghiệp không dễ. Rất cần có đề án riêng về sản xuất nông sản an toàn, có thể truy xuất nguồn gốc. Ngành nông nghiệp cần ưu tiên bố trí nguồn lực và phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các hội đoàn thể để tạo phong trào và ý thức sản xuất an toàn cho nông dân.

LÊ MUỘN