Xuống đồng ngày xuân
Đón tết, vui xuân nhưng nông dân xứ Quảng vẫn tranh thủ ra đồng bón phân, chăm sóc lúa và các loại hoa màu vụ đông xuân với hy vọng sẽ có một mùa bội thu.
Tập trung chăm sóc lúa
Sáng mùng Ba tết, trời mưa nhỏ và chuyển lạnh nhưng trên những cánh đồng lúa xanh mướt của huyện Quế Sơn vẫn thấy rất nhiều nông dân lom khom tỉa dặm, bắt ốc bươu vàng, bón thúc phân.
Ông Trương Xuân Tý – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian qua nhờ thường xuyên có mưa nên toàn bộ 68 hồ chứa trên địa bàn tỉnh (gồm 17 hồ chứa có quy mô lớn do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý và 51 hồ chứa nhỏ do chính quyền các địa phương quản lý) đã tích đầy nước. Do vậy, việc cung ứng nước tưới cho các loại cây trồng trong vụ đông xuân này không phải là vấn đề đáng lo. Tuy nhiên, ông Tý đề nghị những đơn vị quản lý – vận hành các hồ chứa và nông dân cần phải thực hiện tốt các phương thức tưới tiết kiệm để dự trữ nguồn nước cho vụ sản xuất hè thu 2023.
Bà Lê Thị Sinh (thôn Trung Vĩnh, xã Quế Xuân 1) cho biết, gia đình bà gieo sạ 20 sào lúa, gồm 8 sào giống lúa thuần Thiên ưu 8 liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Trung ương Quảng Nam sản xuất theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và 12 sào lúa thương phẩm chất lượng cao. Ngay trước tết bà Sinh đã tỉa dặm được 3 sào, còn lại 17 sào nay bắt đầu tỉa dặm.
“Đón tết, vui xuân nhưng nhà nông chúng tôi không thể bỏ bê ruộng đồng, bởi cây lúa là nguồn thu nhập chính giúp trang trải cuộc sống.
Từ nay đến ngày 12 tháng Giêng, vợ chồng tôi phải tỉa dặm dứt điểm 17 sào lúa và tiến hành bón thúc phân để lúa sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khỏe. Cầu mong vụ này mưa thuận gió hòa, các loại dịch hại nguy hiểm không bùng phát mạnh để mùa màng bội thu” – bà Sinh nói.
Ông Lưu Văn Thành – Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, vụ đông xuân 2022 – 2023 nông dân huyện canh tác 3.600ha lúa, trong đó có 3.051ha chủ động nước tưới và 549ha phụ thuộc nước trời. Hiện lúa trong giai đoạn tỉa dặm và đẻ nhánh.
Thời gian qua, mặc dù thời tiết bất lợi nhưng hầu hết ruộng lúa đều phát triển mạnh. Thời điểm trước, trong và sau tết, ngành chuyên môn của huyện cùng cán bộ nông nghiệp cấp xã, khuyến nông viên cơ sở tích cực kiểm tra đồng ruộng, kịp thời hướng dẫn nông dân phòng trừ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra.
Ông Nguyễn Xuân Vũ – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đông xuân 2022 – 2023 toàn tỉnh sản xuất 41.600ha lúa, đến ngày 26/1 đã xuống giống được 40.127ha. Thời điểm này, cây lúa đang thời kỳ mạ non - đẻ nhánh rộ, trà gieo sạ sớm ở giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái. Hiện còn 1.473ha lúa chưa xuống giống là những ruộng lúa lai 2 dòng ở Đại Lộc, một ít diện tích vùng trũng thấp và một phần diện tích ở miền núi cao.
Bà Nguyễn Thị Sương – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam cho hay, hầu hết diện tích lúa đông xuân đều sinh trưởng và phát triển tốt.
Tuy nhiên, thời gian qua ốc bươu vàng phát sinh, gây hại lúa ở nhiều nơi trong giai đoạn mới sạ; chuột ăn hạt giống mới sạ và gây hại dãnh lúa đẻ nhánh tại Điện Bàn, Nông Sơn, Đại Lộc; sâu cuốn lá nhỏ gây hại rải rác trên lúa nước trời ở Nông Sơn, Quế Sơn, Tiên Phước, Thăng Bình; tuyến trùng rễ gây hại trên lúa chủ động nước tại Đại Lộc.
Ngoài ra, bọ trĩ, ruồi đục nõn, rầy xanh đuôi đen, sâu phao... cũng gây hại rải rác. Theo bà Sương, ngành chuyên môn cùng chính quyền các cấp cần tích cực kiểm tra đồng ruộng để nắm bắt tình hình. Từ đó, khuyến cáo và hướng dẫn nông dân chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp trên cây lúa để bảo vệ mùa màng.
Kỳ vọng cây trồng cạn
Thời điểm cận Tết Nguyên đán đến nay, vợ chồng ông Trần Văn Thuận (thôn Xuân Kỳ, xã Điện Quang, Điện Bàn) vẫn thường xuyên ra xứ đồng Diễn Binh nhổ cỏ, bón phân, phòng trừ sâu bệnh cho 8 sào đậu phụng và ớt xen canh với đậu cô ve.
Ông Thuận cho biết, vụ đông xuân nào gia đình ông cũng canh tác 3 loại cây màu trên diện tích này, bình quân mỗi vụ 1 sào ớt xen canh với đậu cô ve cho mức thu nhập 18 – 20 triệu đồng, còn đậu phụng đạt khoảng 6 triệu đồng/sào/ vụ.
“Hiện ruộng ớt và đậu cô ve đang ra hoa – kết trái, đậu phụng thì ở giai đoạn cây con. Tết nhứt, dẫu rất nhiều việc nhưng cũng phải lo chăm sóc cây trồng để sắp tới có nguồn thu nhập” – ông Thuận nói.
Ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay, ngoài việc gieo sạ 5.400ha lúa, vụ đông xuân năm nay nông dân 20 xã, phường sản xuất 4.100ha cây trồng cạn và rau đậu các loại, gồm 1.200ha bắp, 900ha đậu phụng, 350ha ớt, 120ha đậu cô ve... Hiện hoa màu đều phát triển tốt.
“Những năm qua, nhờ đầu tư hệ thống thủy lợi hóa đất màu nên nguồn nước tưới cơ bản đảm bảo. Ngành chuyên môn hướng dẫn nông dân thực hiện hiệu quả phương thức luân canh, xen canh, gối vụ nên việc sản xuất các loại cây trồng cạn và rau đậu mang lại giá trị kinh tế cao. Trong những vụ đông xuân trước, bình quân 1ha đất màu cho nông dân mức thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng và hy vọng vụ này cũng sẽ thắng lợi” – ông Chơi chia sẻ.
Theo số liệu của ngành nông nghiệp, đến nay nông dân toàn tỉnh đã gieo trồng 2.405ha bắp, 5.486ha đậu phụng, 1.993ha sắn, 485ha khoai lang, 428ha ớt, 400ha dưa hấu, 47ha thuốc lá, 3.974ha rau đậu các loại.
Ông Nguyễn Xuân Vũ cho biết, qua kiểm tra thời điểm trước, trong và sau tết hầu hết các loại hoa màu đều phát triển tốt. Tuy nhiên, thời gian tới đội ngũ khuyến nông viên cơ sở và nông dân cần tích cực thăm đồng để chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ dịch hại cho cây trồng cạn...