Cửa hẹp với nông sản sạch

VĂN SỰ – PHI THÀNH 19/01/2023 08:52

(Xuân Quý Mão) - Nhiều HTX và nông dân đã nỗ lực xây dựng các mô hình sản xuất nông sản theo phương thức hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm sạch, nhưng đầu ra vẫn ở tình cảnh bấp bênh.

 

Hiệu quả từ liên kết

Ông Nguyễn Quảng Hiệp – Giám đốc HTX Nông nghiệp Trà Dương (Bắc Trà My) cho hay, năm 2015 ông trồng thử nghiệm hơn 1ha cam sành theo phương thức sản xuất hữu cơ.

Là kỹ sư kinh tế nông nghiệp nên ông Hiệp nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch hại cho vườn cam. Năm 2019 ông thành lập HTX và liên kết với 7 hộ dân ở địa phương xây dựng mô hình trồng cam sành, bưởi da xanh, thanh trà theo hướng hữu cơ với quy mô 10ha.

Ông Hiệp cho biết thêm, trong số 10ha cây ăn quả, hiện có 2ha cam sành thu hoạch chính vụ, 2ha cam sành mới ra trái bói, còn lại là những vườn bưởi da xanh và thanh trà đang thời kỳ kiến thiết. Đối với những vườn cam sành cho thu hoạch chính vụ, bình quân mỗi mùa 1ha đạt khoảng 12,5 tấn quả.

“Thời gian qua HTX đứng ra kết nối với rất nhiều cửa hàng và tư thương để thu mua cam sành của các hộ dân cung ứng ra thị trường. Tùy theo mùa, giá bán sỉ 1kg cam sành cho các đầu mối từ 12 – 16 nghìn đồng. Với sản lượng và giá bán này, mỗi vụ 1ha cam sành cho thu nhập 150 – 200 triệu đồng. Năm 2020 sản phẩm cam sành sạch của HTX được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao” – ông Hiệp chia sẻ.

Một số nông sản sạch của nông dân Quảng Nam.
Một số nông sản sạch của nông dân Quảng Nam.

Ông Nguyễn Văn Kiệt – Giám đốc Công ty CP Giống nông nghiệp Điện Bàn cho biết, từ năm 2017 đến nay, hằng năm đơn vị liên kết với 70 hộ nông dân trên địa bàn 2 xã Điện Hồng và Điện Thọ (Điện Bàn) sản xuất 50ha lúa chất lượng cao HT1, ST24, ST25... theo phương thức hữu cơ để chế biến gạo sạch cung ứng ra thị trường với thương hiệu “gạo quê Phong Thử” đã được xếp hạng OCOP 3 sao năm 2019.

“Mỗi năm công ty thu mua lúa của nông dân và chế biến đưa ra thị trường tiêu thụ hơn 200 tấn gạo hữu cơ, đạt doanh thu 4,4 tỷ đồng, có mức lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng. Còn đối với nhà nông, mô hình này giúp thu nhập của họ tăng 300 nghìn đồng/sào/vụ so với sản xuất lúa thông thường. Nhưng, cái được lớn nhất là không phải lo đầu ra sản phẩm” – ông Kiệt chia sẻ.

Rau quả VietGAP khó hồi sinh

Cuối tháng 11/2022, nhiều nông dân ở vùng chuyên canh rau quả Lang Châu Bắc (Duy Phước, Duy Xuyên) hối hả ra đồng chăm sóc các loại rau củ quả. Ông Phạm Đích – người dân địa phương cho hay, ở vùng này, rau quả được trồng quanh năm nhưng vào dịp tết là tăng gấp đôi diện tích sản xuất.

Vụ đông năm nay, ông Đích trồng 6 sào khổ qua, mướp, bí và rau các loại, tăng 2 sào so với những thời điểm khác trong năm. Ông Đích hy vọng lứa rau củ quả này được mùa, được giá và gia đình sẽ có nguồn thu nhập 40 - 50 triệu đồng để đón cái tết tươm tất.

 

“Trước đây, vùng chuyên canh rau quả Lang Châu Bắc được quy hoạch, bố trí sản xuất nhiều loại rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô hơn 3ha nhưng rồi cũng phá sản. Bởi, chi phí đầu tư cao, đầu ra sản phẩm không ổn định khiến nhà nông không mặn mà.

Trong 7 năm qua, người dân quay lại canh tác theo phương thức truyền thống. Thời điểm rau quả được giá, tư thương khắp nơi đổ về đây thu mua. Lúc sản phẩm bí đầu ra, nhà nông phải ngậm ngùi nhổ bỏ hoặc cắt rau về làm thức ăn cho gia súc” – ông Phạm Đích chia sẻ.

Ông Trương Xuân Tý – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, năm 2022 các địa phương chỉ tổ chức sản xuất được 58ha rau củ quả an toàn; trong đó có 26,3ha chứng nhận đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, 31,7ha chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương. So với kế hoạch đề ra, số diện tích sản xuất còn thấp, chỉ đạt 3,1% đối với rau chứng nhận đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, 26% đối với rau chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP và tương đương.

Với mong muốn vực dậy thương hiệu rau quả VietGAP Lang Châu Bắc, những năm qua ngành nông nghiệp Duy Xuyên và chính quyền xã Duy Phước tổ chức không ít cuộc họp, hội thảo nhằm bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thế nhưng vựa rau quả VietGAP vẫn không thể hồi sinh.

Ông Lê Đào – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước cho rằng, thiếu sự liên kết theo chuỗi giá trị là nguyên nhân chính khiến mô hình sản xuất rau quả VietGAP ở địa phương thất bại.

Ông Trần Huy Tường – Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên nhìn nhận, muốn xây dựng thành công và bền vững mô hình chuyên canh rau quả theo hướng VietGAP, cần quy hoạch lại vùng sản xuất rau an toàn tập trung, đảm bảo sản lượng cung ứng cho nhu cầu của thị trường.

Đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, định hướng loại cây trồng phù hợp, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho nông dân. Đặc biệt, các ngành chức năng phải tăng cường hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm ổn định đầu ra sản phẩm...

VĂN SỰ – PHI THÀNH