Kiến tạo nền nông nghiệp bền vững

PHẠM VIẾT TÍCH 17/01/2023 08:40

(Xuân Quý Mão) - Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững là phát triển toàn diện, phát huy các nguồn lực (tài nguyên đất đai, vốn, khoa học công nghệ và nhân lực); kiến tạo một nền sản xuất nông nghiệp bền vững cả về lực lượng và quan hệ sản xuất gắn với bảo vệ môi trường...

Cần xây dựng ý thức sản xuất an toàn cho nông dân. Ảnh: LÊ VẤN
Cần xây dựng ý thức sản xuất an toàn cho nông dân. Ảnh: LÊ VẤN

Nông nghiệp Quảng Nam đến nay vẫn duy trì và giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định, đặc biệt năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các ngành kinh tế khác suy giảm tốc độ tăng trưởng nhưng riêng ngành nông nghiệp vẫn tăng trưởng 3,5%.

Song, nông nghiệp Quảng Nam vẫn còn thiếu bền vững như chịu tác động nhiều yếu tố rủi ro và dễ bị tổn thương; quy mô sản xuất nhỏ, chưa phát triển cây, con chuyên canh hàng hóa lớn, thiếu bền vững trong tiêu thụ nông sản... Có quá nhiều điều Quảng Nam phải làm, để đạt được mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại và phát triển bền vững.

Chuyển đổi tư duy sản xuất

Phát triển nông nghiệp toàn diện và thích ứng với biến đổi khí hậu trước hết phải xây dựng các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu CSA (C – Climite, S - Smart, A - Agriculture) để giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu; các mô hình gắn với hệ thống canh tác bền vững và tăng hiệu quả trên đơn vị diện tích cho từng vùng, từng loại cây trồng phù hợp điều kiện mỗi vùng sinh thái đồng bằng, miền núi. Chuyển đổi một số diện tích rừng trồng keo sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như các loài cây ăn quả có múi…

Một vấn đề đáng quan tâm nữa, Quảng Nam phải chuyển đổi “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” nhằm nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.

Để làm được điều này, cần xúc tiến hình thành các vùng, khu ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Phát triển dịch vụ môi trường rừng, kinh doanh tín chỉ các bon rừng. Xây dựng các vùng phát triển rừng bền vững, rừng gỗ lớn, phát triển công nghiệp chế biến lâm sản và lâm sản ngoài gỗ gắn với quy hoạch các vùng trồng rừng nguyên liệu...

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều chuỗi liên kết nông sản nhưng cần gắn với chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc, để nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế của từng loại sản phẩm, phát triển các sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, giàu bản sắc văn hóa.

Xây dựng chuỗi mắt xích nông nghiệp

Phát triển mô hình “làng nông nghiệp đô thị” hài hòa trong chuỗi mắt xích nông thôn gắn với đô thị là được xem là hướng đi mới, phù hợp xu thế phát triển.

Theo đó, trước hết là tái cấu trúc làng nông nghiệp, bố trí lại không gian sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt) và khu dân cư làng - đô thị, làng đô thị sinh thái ở ven sông, sinh thái ven đồi núi, sinh thái vùng đồng bằng gắn với du lịch.

Xúc tiến hình thành và phát triển trung tâm bảo tồn biển và hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, định hướng phát triển không gian ven biển, ven bờ, ven đảo cho phát triển du lịch bền vững.

Ngoài ra, thúc đẩy đa dạng hóa hình thức liên kết các chủ thể trong sử dụng đất, thúc đẩy mạnh mẽ tập trung, tích tụ ruộng đất để tạo điều kiện có sự liên kết nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, chuyển đổi mạnh mẽ các vùng trồng lúa kém hiệu quả sang cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung. Cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách đầu tư tạo động lực mạnh mẽ, sớm hiện thực hóa chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Ở miền núi, cần tập trung nguồn lực đầu tư để giải quyết các vấn đề bức thiết, đảm bảo cho người dân vùng miền núi có thu nhập ổn định từ bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế từ kinh tế rừng, kinh tế vườn, kinh tế trang trại; đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ vùng sản xuất nguyên liệu các cây con chủ lực của tỉnh để tạo động lực mới phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững...

PHẠM VIẾT TÍCH