Khuyến nông ở Đông Giang
Phát huy thế mạnh của địa phương, huyện Đông Giang triển khai công tác khuyến nông thông qua việc hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện ở từng địa bàn.
Tại thôn Bến Hiên (xã Kà Dăng), hộ Alăng Ưu được Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Đông Giang cấp, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và chăm sóc con ngan sinh sản.
Ngoài hộ Alăng Ưu, thôn Bến Hiên còn có 19 gia đình khác được hưởng lợi từ mô hình chăn nuôi ngan sinh sản do Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện triển khai.
Cũng trên lĩnh vực chăn nuôi, trung tâm còn phối hợp thực hiện các mô hình nuôi cá diêu hồng, cá thác lát cườm lồng bè trong hồ thủy điện A Vương; chăn nuôi heo cỏ miền núi an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Đông Giang - ông Nguyễn Bông cho biết, năm 2022 đơn vị đã phối hợp với các xã, thị trấn mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về thâm canh cây, con giống; hướng dẫn và xây dựng mô hình tiên tiến điển hình để nông dân học tập, ứng dụng.
Đơn vị soạn thảo, in ấn phát tờ rơi, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật các loại cây trồng, con vật nuôi; tổ chức hội thảo đầu bờ, hội nghị tổng kết; đưa người dân đi tham quan các mô hình trình diễn để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm.
Nhiều mô hình khuyến nông phù hợp thực tế, đúng định hướng và có khả năng nhân rộng, phát triển thành sản phẩm hàng hóa như mít cao sản, keo Úc, vịt xiêm sinh sản cũng đã áp dụng.
Ở thôn Tà Vạc (thị trấn P’rao), có 6 hộ dân vừa được cấp hỗ trợ 1.200 cây giống mít nghệ cao sản, kinh phí trích từ nguồn vốn ngân sách huyện. Trước đó, những hộ này được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo mô hình khuyến nông của huyện. Cũng tại P’rao, vườn trồng bảo tồn kết hợp sản xuất giống cây ba kích tím quy mô 4ha thuộc địa bàn thôn A Duông đang được nhóm hộ nông dân chăm sóc tốt.
Đến nay, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Nam đã công nhận 43 cây ba kích tím đủ tiêu chuẩn cây đầu dòng tại vườn trồng bảo tồn này. Các mô hình được triển khai đang cho thấy tính hiệu quả, hứa hẹn mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho người dân bản địa.
Ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nói, bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, địa phương đang triển khai dự án liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm từ cây măng cụt; nuôi cá lồng bè trong lòng hồ thủy điện A Vương.
Các đề tài khoa học công nghệ đã nghiệm thu bàn giao, như ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản cây nghệ đen tại xã Sông Kôn; nghiên cứu, bảo tồn và phát triển cây ớt Ariêu phục vụ sản xuất hàng hóa sẽ được nhân rộng.
Đề tài ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để tuyển chọn các giống dâu tây và xây dựng mô hình trồng cây dâu tây tại xã Tư đang tiến hành. Những mô hình này được triển khai nhằm phát huy tối đa lợi thế của địa phương, góp phần ổn định đời sống cho người dân, tạo ra sản phẩm hàng hóa và hướng đến phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn.